Multimedia Đọc Báo in

Tôi đi tìm cuốn sách Tây Nguyên…

05:55, 29/09/2024

Tại sao không có nhiều loại hình sách thể hiện về câu chuyện Tây Nguyên, hôm nay và tương lai?” - một người bạn đã băn khoăn như vậy, khi nghe chúng tôi đề cập đến văn học Tây Nguyên từ truyền thống đến hôm nay.

Tâm tư với rất nhiều băn khoăn, lo lắng của người bạn đã rất nhiều năm gắn bó với vùng đất cao nguyên khiến chúng tôi chợt nhận ra tư duy của mình về văn hóa Tây Nguyên còn quá nhiều điều thiển cận. Phải hiểu một Tây Nguyên hôm nay trên đường hiện đại hóa, văn minh hơn, với những nỗi lo hữu hình về nguy cơ thoái hóa tư duy và tình cảm, vật chất hóa mọi thước đo giá trị. Nhìn văn chương Tây Nguyên từ góc độ này, mới bật ra nỗi lo...

Sự thật cho đến nay, với rất đông bạn đọc văn chương, hình ảnh Tây Nguyên tồn tại mang tính ước lệ, đậm màu sắc truyền thống xưa cũ hơn là những vấn đề mới mẻ và thời sự hơn. Những cuốn tiểu thuyết viết về Tây Nguyên phần nhiều vẫn viết về quá khứ, về một thời chiến tranh, về cái đói, cái thiếu, cái gian nan văn hóa xã hội của một vùng đất xa xăm, đầy vết chàm trổ, chỉ có tiếng cồng chiêng. Cũng có những cuốn tiểu thuyết được người ta biết đến, như dấu ấn về số phận những con người đi giữa rừng núi dưới bom đạn tàn khốc, những vết cắt văn hóa tập tục trì níu con người. Thời điểm của những tác phẩm ấy, rơi vào trước những năm 1975, mới hơn thì cũng ở… thời kinh tế mới.

Xa hơn, và đậm tính bền vững hơn, người ta nói đến văn hóa truyền thống Tây Nguyên với những sử thi hào hùng, những câu chuyện con người vỡ đất, những truyền thuyết, cổ tích về tình yêu thiên nhiên, tính chất hoang dã trong tâm hồn Tây Nguyên, cuộc chiến giữa cái ác và cái thiện soi sáng bằng niềm tin… Khát vọng Đam San, ước vọng Đam Di, hay những hình ảnh M’tao anh hùng đong đầy trong những câu chuyện ấy, có khi đến hàng nghìn câu kể. Nhưng tất cả đều chỉ dừng lại ở quá khứ, vẽ lại một vùng lịch sử phi thường phản ảnh sinh hoạt cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.

Trong những ngày ít ỏi lang thang giữa đường sách Buôn Ma Thuột, ghé vào vài thư viện địa phương, chúng tôi không tìm thấy được những nét vẽ mới về Tây Nguyên hôm nay, một Tây Nguyên đổi mới và sung sức, nhiệt huyết thay đổi, cách tân chính mình. Liệu có những tác phẩm văn chương mới của các tác giả Tây Nguyên ghi nhận điều đó, mà chúng tôi chưa được may mắn tiếp xúc hay không?

Bên cạnh những thông tin báo chí tô đậm những câu chuyện gay gắt về xã hội, nguy cơ trục lợi kinh tế…, những trang văn học địa phương vẫn chỉ dừng lại ở thơ ca, vài áng văn đậm màu hoài niệm và luyến tiếc thời gian. Nên chăng, hoạt động văn học nghệ thuật Tây Nguyên cần có những kế hoạch mới, những chương trình đầu tư mới, những cuộc thi sáng tác mới, lôi cuốn và kêu gọi các tác giả trẻ Tây Nguyên cầm bút, miêu tả nhiều hơn về cuộc sống hôm nay?

Sáng tác nghệ thuật đã vậy, soi chiếu lại công tác thông tin truyền thông, nỗ lực lan tỏa những giá trị văn hóa, văn học Tây Nguyên, dường như chúng tôi vấp phải những hạn chế. Đó là tốc độ số hóa, và đa dạng hóa các tác phẩm, nét văn hóa Tây Nguyên trên các diễn đàn trực tuyến, mạng xã hội vẫn rất hạn chế và có cả khả năng bị biến tấu sai lệch.

Những mẩu chuyện vụn vặt nào đó về thế giới cà phê, về màu sắc ẩm thực qua ly cà phê, cốc ca cao… được dẫn dắt, sao chép nhiều, song đọng lại trong lòng người đọc thì chẳng bao nhiêu. Chỉ có những gì hài hước, mua vui, thì mới được nhiều người quan tâm. Còn sức sống mới của những đô thị Tây Nguyên hôm nay, nhịp sống mới của những con người trẻ tuổi trên cao nguyên này, vẫn nhạt nhòa chưa được điểm chỉ hấp dẫn. Lồng ghép vào đó, là văn hóa truyền thống Tây Nguyên, nhưng ngoài những trang giấy in, giấy viết tay, những bản thảo in mờ nào đó, phương cách diễn đạt, biểu hiện về văn hóa, văn học Tây Nguyên với thời đại công nghệ số vẫn chưa nhiều. Khái niệm những cuốn sách điện tử, những bài sách nói, tệp sách hình… vẫn rất xa lạ với nhiều người.

Hệ quả là, những thư viện địa phương, thư viện trường học, ngay tại đường sách Buôn Ma Thuột, được xem là điểm dừng văn hóa đọc Tây Nguyên, cũng rất khó tìm ra đầu mối, kho tàng chứa đựng các thông tin, dữ liệu cần thiết về văn chương nghệ thuật Tây Nguyên.

Xem ra, việc tìm kiếm, xây dựng một cuốn sách Tây Nguyên về văn hóa đọc, về văn học hiện đại, tương hỗ với văn chương truyền thống, văn hóa dân gian… vẫn đang là trang sách mở của vùng đất này. Những ngòi bút trẻ Tây Nguyên vẫn ẩn náu ở đâu đó trong dòng chảy cuộc đời. Thời gian và cuộc sống thì không dừng lại, và nỗi băn khoăn đi tìm cuốn sách Tây Nguyên, phải chăng cứ thế trải dài?

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc