Đà Lạt - không gian của cảm xúc và sáng tạo
Đà Lạt từng được gọi bằng nhiều mỹ danh. Không gian Đà Lạt là không gian đa tình, đa tâm trạng, một khung cảnh tự nhiên rất phù hợp với việc nuôi dưỡng tâm hồn hướng thượng, sáng tạo. Không mấy người dính dáng đến nghệ thuật lại không chọn Đà Lạt cho ít nhất một lần dừng chân và để lại chút gì đó đền đáp thiên ân.
***
Hồi đầu thế kỷ trước, những bước chân văn nhân Việt đầu tiên đã đến xứ sở này. Với sứ mạng được giao là khảo sát miền Nam, Nam tước Đại thần Đoàn Đình Duyệt, Thượng thư Bộ Công dưới triều Khải Định đã lên với cao nguyên và để lại tác phẩm “Lâm Viên hành trình nhật ký” ghi lại thực tế và cảm xúc chân thật của mình. Đọc lại những trang văn ngày đó của ông, thật gợi: “Trời vào tiết đầu thu, miền trung châu chưa bớt nóng mà ở đây thì trời đã lạnh dần, có mưa phùn, mặc áo lông cừu thật thích hợp. Xem khí hậu thấy giống đầu xuân. Theo lời quý quan trú ở đây thì vùng đất này tới mùa đông hàn thử biểu có lúc xuống một, hai độ, giống như khí hậu miền Nam châu Âu. Đôi khi cũng có mưa tuyết. Quả là điều kỳ lạ trên đất nước Lĩnh Nam vậy”.
Cũng hồi đầu thế kỷ 20, những thi sĩ tiên phong của phong trào Thơ mới đã từng đến đất này và gửi lại tác phẩm để đời. Hãy lần giở những trang thơ, áng văn trác tuyệt của Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, rồi về sau là Xuân Diệu hay Chế Lan Viên. Người dân Đà Lạt hãy còn nhớ tên tuổi các văn sĩ từng sống và sáng tác ở đây: Võ Hồng, Nhất Hạnh, Phạm Công Thiện, Đinh Cường, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Đức Sơn, Phạm Cao Hoàng, Lệ Khánh… Rồi tiếp đó là Nguyễn Tường Văn, Trần Hữu Lục, Trần Minh Thảo, Phan Minh… Những ngày đất nước còn mịt mù bom đạn, chàng trai đa tài, đa cảm Trịnh Công Sơn chán ngán binh lửa điêu tàn đã lên đất này và vút lên những giai điệu đầu tiên của đời nghệ sĩ hát rong ca ngợi hòa bình và tình yêu. Những tháng ngày cuối đời, nhạc sĩ họ Trịnh thường chọn nơi có “hàng thông thắp nến” để “hành hương”. Sau ngày nước nhà thống nhất, những người lính văn nghệ đã đến với Đà Lạt: Văn Thảo Nguyên, Hà Linh Chi, Phạm Vũ, Trọng Thủy, Hà Huy Hiền… Cùng các anh là những bạn văn mới: Huỳnh Chính, Phạm Vĩnh, Trần Thăng, Trần Ngọc Trác, Chu Bá Nam, Vũ Long, Vi Quốc Hiệp, Trần Đức Tài, Dương Toàn Thiên, Đình Nghĩ, Lê Công, Thái Tuấn…
Đà Lạt trong sương qua ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Tất Thành. |
Ngày trước, nữ sĩ Tương Phố của “Giọt lệ thu”; văn sĩ Nhất Linh, chủ soái Tự lực Văn đoàn đã đến đây để ký thác phần cuối cuộc đời. Gần đây, họa sĩ lãng tử Hoàng Lập Ngôn cũng chọn đất này để dừng bánh chiếc xe lăn Mê Ly từng lăn xuyên qua hai thế kỷ. Họa sĩ Lưu Công Nhân gắn với Đà Lạt những ngày tận cuộc và gửi thân xác vào đất cao nguyên. Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng thì rời quê nhà đến đây xây vườn tượng cuối cùng của ông giữa một rừng thông cổ thụ. Bao nhiêu tao nhân, mặc khách đã từng đến, từng yêu và sáng tạo cùng mùa sương, tháng gió cao nguyên.
Ngay chính thành phố xinh đẹp này cũng sinh ra những “quái kiệt” trong làng nhiếp ảnh như trước đây là Nguyễn Bá Mậu, Đặng Văn Thông, Trần Văn Châu và nay là M.P.K, Lý Hoàng Long, Bá Trung... Còn sinh viên các trường mỹ thuật thì có thể ôm giá vẽ lê la suốt ngày trên các con đường uốn lượn hay lang thang bên những triền đồi rực màu hoa dại, ngắm không chán những ngôi biệt thự cổ, phác thảo những họa phẩm tương lai…
Biểu diễn âm nhạc trong chương trình khai mạc triển lãm ảnh “Những sắc màu thành phố ngàn hoa” dịp Festival hoa Đà Lạt lần thứ X năm 2024. |
Đà Lạt còn được coi là một trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trước giải phóng, các gia đình khá giả ở Sài Gòn thường gửi con cái lên đây học hành như gửi niềm tin đến một vùng có nền giáo huấn tốt và là nơi nuôi dưỡng tâm hồn lý tưởng. Người nào từng được cấp tấm bằng văn khoa hay quản trị kinh doanh tại Viện Đại học Đà Lạt thời đó thì giá trị không thua kém mấy so với những tấm bằng được mang về từ nước ngoài bây giờ. Những viện nghiên cứu về canh nông, sinh học và nhất là khoa học hạt nhân ở Đà Lạt từng nổi tiếng từ lâu.
***
Di sản kiến trúc phối cảnh giữa thiên nhiên Đà Lạt mang dáng nét kiêu sa quyến rũ. Có lẽ, nét kiêu sa ấy phảng phất từ không gian khoáng đạt, từ bầu khí hậu, từ hệ thống những di sản kiến trúc và cả từ tâm tính hiền hòa của con người. Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ lúc sinh thời dù đã đi khắp biển Á, trời Âu, đã từng đoạt giải Khôi nguyên La Mã và góp công mở mang nhiều vùng cư dân từ nông thôn đến đô thị Việt Nam nhưng ông luôn nhớ bước khởi nghiệp đầu tiên của mình từ mảnh đất này. Có lần ông nói: “Đà Lạt có thế mạnh số một của vùng Đông Nam Á, đó là một cái máy lạnh khổng lồ. Nhà không thấy trọn, núi không thấy trọn, cảnh luôn ảo huyền. Thiên nhiên Đà Lạt thanh thoát và uyển chuyển, núi nặng mà thấy nhẹ. Thiên nhiên ấy phảng phất như nét vẽ thủy mặc, nét kiêu sa của nghệ thuật Á Đông. Quan điểm của tôi về sự tham gia của con người đối với Đà Lạt là kiến trúc phải đi theo thiên nhiên, không được phá vỡ bố cục của tạo hóa…”.
Không gian Đà Lạt đã tạo nên và sở hữu một nỗi buồn, một nỗi buồn trong lành. Dáng nét kiêu sa, ảo huyền phảng phất ngay chính trên cái nền buồn lãng đãng mà tại một hội thảo, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đã không ngần ngại dành cho hai chữ “đặc sản”. Đó là nỗi buồn sang trọng, đẹp như bản tình ca chiều được sinh thành từ cuộc hôn phối giữa thiên nhiên và bàn tay kiến tạo tài hoa của con người. Nỗi buồn lãng mạn ấy đã tạo nên những mỹ cảm tuyệt vời. Đó là kết quả kiến tạo của con người nhưng là sự sáng tạo “đi theo thiên nhiên”…
Giới kiến trúc nhận định, có một “bảo tàng” kiến trúc Pháp thế kỷ 19 tại Đà Lạt. Người Pháp thời đó quảng bá đô thị mới này như một trung tâm du lịch, văn hóa, khoa học và săn bắn. Năm 1949, toàn thành phố đã có trên 1.000 biệt thự, dinh thự. Điều độc đáo là không có biệt thự nào giống biệt thự nào, mỗi công trình là một tác phẩm kiến trúc hoàn thiện, hoàn mỹ.
***
Tuy nhiên, là người yêu và gắn bó với xứ sở này, tôi đang cảm nhận, hình như Đà Lạt đánh mất dần những nét độc đáo kiêu sa riêng có của mình. Bản tình ca chiều với giai điệu một thời da diết thế đang từ từ được thay thế bằng những tiết tấu dậm dật xa lạ. Cùng với môi trường mất dần sự trong lành, nắng nóng, mưa gió thất thường là những rừng thông bị thảm sát và nhà cửa mọc lên vô lối. Mỗi lúc mang trong mình tâm trạng như thế, tôi thường đọc lại những trang nhật ký của A.Yersin, những dòng ký vãng của Hoàng Xuân Hãn hay những trích lục về quy hoạch đô thị Đà Lạt hồi đầu thế kỷ trước và lại thêm tiếc nuối về một thời mà danh xưng Đà Lạt trở thành mẫu mực về cách kiến tạo ra một đô thị độc đáo ở vùng Viễn Đông.
Uông Thái Biểu
Ý kiến bạn đọc