Gùi vợ, gùi chồng của đồng bào Cơ Tu
Cũng như các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, đồng bào Cơ Tu phát triển, duy trì nghề đan lát các vật dụng phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nương rẫy. Trong đó, vật dụng phổ biến và hữu dụng nhất của đồng bào là chiếc gùi.
Đồng bào Cơ Tu có hai loại gùi độc đáo: gùi có nắp (Prôm) đựng đồ gia bảo của gia đình, đựng đồ trang sức của người phụ nữ và chiếc gùi ba ngăn nam giới (Tơ lêếc/Ta leec/Ta leo). Hai loại gùi này có thể hiện rõ nét giới tính: gùi có nắp của người vợ “tay hòm chìa khóa”, gùi ba ngăn của người chồng, gánh vác gia đình trên đôi vai trần.
Chiếc gùi là vật dụng khó tạo tác nhất. Đầu tiên người đan phải dựng khung bằng những chiếc nan thẳng đứng, rồi đan từ dưới lên. Khi đan xong phần thân gùi thì nẹp một thanh tre thành vòng tròn quanh làm miệng gùi. Thanh tre trên miệng gùi được buộc chéo bằng những sợi dây mây chắc chắn. Sau đó kết quai gùi, dây ràng, làm chân đế cho chiếc gùi.
Vẻ đẹp của những chiếc gùi không chỉ ở tạo hình dáng độc lạ mà còn hoa văn trang trí, những đường đan trên thân gùi. Những sợi nan được vót tròn trịa, nhỏ như chiếc tăm đan, bện thành sản phẩm với đường nét tinh xảo. Người ta đan các dải hoa văn theo lối kép gồm hai đường viền khác nhau chạy song song và đều đặn, ngay hàng thẳng lối như mặt thảm.
Những chiếc nan với màu sắc tự nhiên của tre nứa và những màu do pha chế, xông khói, ngâm bùn để tạo nên sắc màu, hoa văn truyền thống. Hoa văn trên đồ đan cũng thường được sao chép từ những hoa văn trên trang phục, mang nét đẹp gần gũi, mang dấu ấn, biểu tượng văn hóa tộc người.
Gùi ba ngăn, vật trang sức của trai làng Cơ Tu. |
Gùi có nắp hình trụ tròn, nắp đậy hình chóp nón hoặc bầu dục. Chiếc gùi hình trụ tròn trở nên duyên dáng, hoàn hảo khi được úp lên phía trên nó một cái nắp có hình chóp nón. Trên đỉnh chóp có làm tay cầm bằng mắt tre hoặc sợi mây bện thắt lại để vừa tạo thêm nét thẩm mỹ, chắc chắn, lại vừa có chức năng như tay cầm, thuận tiện cho việc đóng, mở nắp gùi. Bên trong phía dưới nắp gùi thường có một lớp lá để thêm độ kín, bảo vệ đồ vật khỏi mưa gió.
Trong khi chiếc gùi của phụ nữ là loại gùi có nắp đậy để đựng tài sản, vật dụng quý để yên một chỗ trong nhà thì gùi ba ngăn của đàn ông là vật luôn mang trên lưng khi đi ra khỏi nhà. Sở dĩ nó có nhiều ngăn như vậy là để đựng được các loại đồ khác nhau như đồ ăn, dao, tên, dụng cụ lấy lửa… Vào mùa mưa, ngăn giữa của chiếc gùi được phủ một lớp lá cọ hoặc lá mây rất dày để những vật dụng đựng bên trong như quần áo, thuốc hút, đá đánh lửa... không bị ướt lúc gặp mưa. Chiếc gùi này được xem như vật trang sức thể hiện vẻ đẹp nam tính. Nó là một tác phẩm tạo hình đẹp bởi kỹ thuật đan tinh tế, những chiếc nan trau chuốt, mềm mại tạo đường nét hoa văn nhẹ nhàng và hình khối lạ mắt, độc đáo.
Gùi có nắp của người Cơ Tu, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng. |
Đối với dân tộc Cơ Tu, chiếc gùi ba ngăn còn là “đạo cụ” không thể thiếu để các chàng trai cùng các cô gái biểu diễn điệu múa Tân tung da dá. Khi tham gia nhảy hội, ngoài tấm áo thổ cẩm được choàng trên người và chiếc khố chữ T, người múa còn có chiếc gùi ba ngăn, những vũ khí của một chiến binh thời cổ như khiên, kiếm, cung nỏ hoặc giáo... Khi đi dự lễ hội, chiếc gùi ba ngăn của các trai làng Cơ Tu còn được trang trí vài lông chim trĩ, chim công nhằm tạo ấn tượng, hấp dẫn đối với các cô gái làng.
Hai chiếc gùi chồng, gùi vợ là hiện vật gắn với lễ nghi, tập tục của đồng bào Cơ Tu. Trong các lễ hội truyền thống, đồng bào thường đặt chúng ở nơi trang trọng trên giàn cúng như những linh vật. Gùi vợ ở bên phải, khoác chiếc váy có hoa văn đẹp và chuỗi hạt cườm, mã não kèm theo dây thắt lưng; gùi chồng ở bên trái, choàng chiếc khố hoa. Hình ảnh này thể hiện vợ chồng luôn ở bên nhau, biểu trưng cho sự hòa thuận, cân bằng âm dương, sự duy trì, trường tồn của cuộc sống, ước vọng sinh sôi, nảy nở cho con người và vạn vật xung quanh.
Tấn Vịnh
Ý kiến bạn đọc