Multimedia Đọc Báo in

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Danh nhân văn hóa thế giới

08:19, 29/12/2024

Phiên họp Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) lần thứ 42 ngày 21/11/2023 ở Paris (Pháp) đã công nhận Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 – 1791) là "Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024 – 2025”. Đây là sự ghi nhận, tôn vinh những công lao, đóng góp, cống hiến của danh y Lê Hữu Trác cho nền y học, nền văn hóa Việt Nam và thế giới.

Tấm gương sáng ngời về y đức

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (còn có tên là Lê Hữu Huân) sinh năm Giáp Thìn (1724) tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) trong gia đình nổi tiếng có truyền thống khoa bảng.

Lê Hữu Trác theo học nghề thuốc ở quê mẹ tại thôn Bàu Thượng, xã Tình Diệm (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) và sau đó hành nghề thuốc, chữa bệnh, dạy học, nghiên cứu sách y học, trao đổi lý luận, biên soạn bộ sách “Lãn Ông tâm lĩnh”. Năm 1782, tiếng tăm thầy thuốc Hải Thượng Lãn Ông truyền tới kinh thành và ông được chúa Trịnh triệu về kinh để chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm. Nhiều quan đại thần, danh sĩ tìm đến nhờ Lê Hữu Trác chữa bệnh, kê đơn thuốc và giao lưu thơ ca. Trong chuyến đi này, Lê Hữu Trác đã viết cuốn “Thượng Kinh ký sự”. Sau khi trở về quê mẹ, Lê Hữu Trác tiếp tục hành nghề thuốc, biên soạn và hoàn thiện bộ sách “Lãn Ông tâm lĩnh”. Lê Hữu Trác mất vào Rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (1791).

Tượng đài Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại núi Minh Tự, xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Sau khi Lê Hữu Trác qua đời, các bài thuốc và sách của ông đều được lưu truyền, sử dụng rộng rãi; các di sản y học, văn học, y đức của ông được nhiều thế hệ học trò, các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao.

Lê Hữu Trác là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về y đức và y đức cũng là một trong những tư tưởng lớn nhất được thể hiện rõ nét qua các tác phẩm của ông (trong bài “Y huấn cách ngôn” và các tập “Dương án”, “Âm án”, “Y lý thâu nhàn”, “Thượng Kinh ký sự”).

Lê Hữu Trác luôn coi nghề y là một nhân thuật - một nghệ thuật của lòng thương người và trách nhiệm đối với bệnh nhân. Theo ông, một thầy thuốc giỏi không chỉ cần có kiến thức y học sâu rộng mà cần phải có tấm lòng từ bi, biết cảm thông và chia sẻ với nỗi đau của người bệnh. Đây là một tư tưởng hết sức tiến bộ và nhân văn, nhấn mạnh việc người thầy thuốc phải xem việc cứu người là sứ mệnh cao cả chứ không phải là một nghề nghiệp chỉ để vụ lợi, kiếm sống. Tư tưởng này đã góp phần quan trọng xây dựng nên nền tảng y đức của y học Việt Nam.

Ông quyết liệt phê phán việc “đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng buôn bán”; vì vậy, “người thầy thuốc luôn phải trau dồi y đức” và yêu cầu người thầy thuốc cần có 8 đức tính, được gói gọn trong 8 chữ: “Nhân” (nhân từ), Minh (sáng suốt), Đức (đức độ), Trí (trí tuệ), Lượng (sự bao dung), Thành (thành thật), Khiêm (khiêm tốn), Cần (siêng năng); 8 tội cần phải tránh: lười biếng, keo kiệt, tham lam, dối trá, bất nhân, hẹp hòi, thất đức, dốt nát.

Quan điểm y đức của Lê Hữu Trác không chỉ được thể hiện rõ trong “Y huấn cách ngôn” mà còn được thể hiện qua những hoạt động, ứng xử trong thực tiễn hành nghề của ông. Trong chuyên luận “Những lời dạy của các tôn y Việt Nam về y đức”, GS. Ngô Gia Hy đã thống kê được 94 điều, trong đó có 72 điều rút ra từ tác phẩm của Hải Thượng Lãn Ông (38 điều từ “Y huấn cách ngôn”, 24 điều từ “Dương án”, “Âm án”, 10 điều từ tập thơ “Y lý thâu nhàn” và tập “Thượng Kinh ký sự”). Những quan điểm y đức của Lê Hữu Trác có sự tương đồng lớn với Lời thề Hippocrate (460 - 377 trước Công nguyên) - người được coi là cha đẻ của y học phương Tây.

Xây dựng lý luận, phương pháp chữa bệnh của y học cổ truyền Việt Nam

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã nghiên cứu, chọn lọc và tiếp thu những tinh hoa của y học cổ truyền Trung Hoa, sáng tạo ra các phương pháp mới, phù hợp với thể trạng và điều kiện sống của người Việt Nam. Nhờ đó xây dựng nên một hệ thống lý luận và phương pháp chữa bệnh mang tính thực tiễn cao và khả năng ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống.

Tư tưởng của Lê Hữu Trác về sự cân bằng trong cơ thể là một triết lý y học quan trọng mà ông nhấn mạnh trong các tác phẩm của mình, gốc rễ của y học cổ truyền đó là sự cân bằng âm dương. Vì vậy, để điều trị bệnh một cách triệt để, không chỉ cần tập trung vào việc chữa triệu chứng mà còn phải khôi phục lại sự cân bằng tự nhiên của cơ thể. Phương pháp điều trị của Lê Hữu Trác không chỉ dừng lại ở việc chữa triệu chứng mà còn bao gồm việc chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân. Ông nhấn mạnh, sức khỏe không chỉ phụ thuộc vào việc dùng thuốc mà còn ở việc duy trì lối sống lành mạnh và điều hòa cảm xúc. Quan điểm này rất gần với khái niệm y học toàn diện ngày nay.

Khu lưu niệm và nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông tại thôn Bảo Thượng, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) đã trở thành địa chỉ tham quan, tìm hiểu, học tập văn hóa, lịch sử của người dân trong và ngoài địa phương. Ảnh: BHT

Trên cơ sở quan niệm dân gian “Trời đất sinh ra giống người ở xứ nào thì phải sinh ra các vị thuốc ở xứ ấy để cứu cho người ta khi có bệnh tật” (quan niệm phổ biến trong Nam thiên y lý dân gian Việt Nam) và kế thừa tư tưởng “Nam dược trị Nam nhân” của Đại danh y Tuệ Tĩnh, Lê Hữu Trác đã dày công đúc kết, sáng tạo cả về mặt lý luận và thực tiễn xây dựng một nền y học độc lập, tự chủ, phù hợp với phong thổ Việt Nam, dược liệu Việt Nam. Ông đã tập hợp và sưu tập các bài thuốc, vị thuốc với số lượng lớn bài thuốc hiệu quả, từ các sách, bài thuốc trong dân gian, bài thuốc gia truyền và các nhà truyền đạo nước ngoài. Nhiều bài đã được chính Lê Hữu Trác sáng chế, sử dụng, kiểm nghiệm.

Bộ sách nổi tiếng “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển là một bộ tùng thư chuyên về y học của một tác gia Việt Nam. Nội dung sách rất phong phú, bao quát tất cả lý luận kinh điển đông y xưa về các khoa nội, ngoại, phụ nữ, sản, trẻ em, sởi, đậu mùa, phương thuốc, y án, bản thảo, dược vật.... Ngoài lĩnh vực y học (Đông y), bộ sách còn có giá trị về nhiều lĩnh vực như: văn học, lịch sử, giáo dục, văn hóa học...

Nhà văn hóa lớn của dân tộc

Bên cạnh “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” với các nội dung xuất sắc về y học, Lê Hữu Trác còn thể hiện tài năng văn chương xuất sắc của một nhà văn hóa lớn của dân tộc.

Ông vừa là nhà thơ, vừa là nhà văn có phong cách, cá tính tài hoa, độc đáo và có nhiều đóng góp quan trọng cho lịch sử văn học dân tộc. Ông để lại một khối lượng thơ không nhỏ, có thể phân thành hai loại: thơ “diễn ca”, được dùng như một phương tiện, cách thức để chuyển tải nội dung y học, vì vậy ông chỉ chú trọng vần, nhạc tính, giúp cho người đọc dễ nhớ, từ đó mà vận dụng vào phòng bệnh, chữa bệnh, có thể kể đến tập “Vệ sinh yếu quyết” biên soạn trong bộ y học toàn thư “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”; thơ nghệ thuật, đó là những bài thơ sáng tác trong thời kỳ làm thuốc, loại thơ này đậm tính trữ tình, dạt dào cảm xúc, ngôn ngữ tinh tế, giàu tính tạo hình và biểu cảm, sáng tác theo cảm hứng và quy luật đặc thù của nghệ thuật thi ca rõ nét ở các bài thơ trong “Thượng Kinh ký sự”. Đặc biệt “Thượng Kinh ký sự” - phần cuối cùng (quyển 66) của bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” đã đưa Lê Hữu Trác vào danh sách các tác gia lớn của văn học Việt Nam. Tác phẩm đã tái hiện một cách chân thực bức tranh hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam nửa sau thế kỷ 18 với nhiều mảng màu sắc nét và một thế giới nhân vật (người thật, việc thật) phong phú, từ bậc vua chúa, quý tộc, đám quan lại đến các hạng người khác trong xã hội...

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không chỉ am hiểu mà còn tổng hợp, tinh lọc các giá trị văn hóa bên ngoài (các triết thuyết: Nho, Phật, Lão, Lý dịch, Kinh dịch, Âm dương, Ngũ hành...); giá trị văn hóa truyền thống bản địa, ở cả hai nguồn bác học và dân gian và từ nhiều trước tác của tiền nhân, nhất là trên lĩnh vực y học (Bảo sinh diên thọ toàn yếu, Toàn thư của Cảnh Nhạc, Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh ...). Từ đó đúc kết, kế thừa và kiến tạo sản phẩm mới, giá trị mới và đưa vào thực tiễn ứng dụng (chữa bệnh cứu người, làm thuốc, đào tạo học trò, truyền bá y đạo, nhân đạo)... Với vốn văn hóa uyên thâm, vốn sống phong phú, tài năng sáng tạo và tấm lòng nhân ái bao dung, Lê Hữu Trác luôn nói đi đôi với làm, lý thuyết gắn liền với thực tiễn, thực hành... Tất cả lời nói và hoạt động của ông đều hướng về con người, về Chân - Thiện - Mỹ.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác thực sự là một danh nhân văn hóa lớn mang tầm vóc quốc tế, phù hợp với lý tưởng, sứ mệnh mà UNESCO cổ vũ và thúc đẩy “theo hướng đoàn kết các dân tộc, lòng khoan dung, lý tưởng hòa bình, đối thoại giữa các nền văn hóa và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”.

Hồng Hà

(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương – Tỉnh ủy Hà Tĩnh)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-Magazine) Đảng viên trẻ là “rường cột” của buôn làng
Với trách nhiệm nêu gương của đảng viên cùng lòng nhiệt huyết, khát khao cống hiến của tuổi trẻ, họ tích cực xây dựng khối đoàn kết nội bộ, là "cầu nối" giữa Đảng với nhân dân, qua đó đã có những cống hiến thiết thực, góp phần quan trọng vào sự đổi thay ở các buôn làng.