Hoạt động văn hóa văn nghệ: Gặp khó về kinh phí
Hoạt động văn hóa văn nghệ có ý nghĩa quan trọng trong nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nên rất cần có sự quan tâm đúng mức để ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động.
Thời gian qua, công tác tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ trên địa bàn tỉnh được quan tâm và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Với sự nỗ lực của ngành văn hóa và các đơn vị liên quan, nhiều hoạt động đã được tổ chức theo định kỳ, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo nhân dân.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) cho biết, cấp tỉnh đã tổ chức định kỳ 5 năm/lần Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk; 2 năm/lần các hoạt động: Liên hoan tuyên truyền lưu động, Liên hoan nghệ thuật quần chúng, Cuộc thi Giọng hát hay; định kỳ hằng năm tổ chức Liên hoan Văn hóa cồng chiêng.
Đội nghệ nhân huyện Krông Năng tham gia Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ III năm 2024. |
Cấp huyện tùy từng địa phương tổ chức định kỳ hoặc theo kế hoạch thường niên là hoạt động Liên hoan nghệ thuật quần chúng, Hội thi Giọng hát hay, Liên hoan Văn hóa thể thao các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, Liên hoan dân ca và biểu diễn các trang phục truyền thống dân tộc, Ngày hội văn hóa các dân tộc….
Cấp xã đa số đều có các đội văn nghệ quần chúng tại thôn buôn, tổ dân phố, thành viên nhiều độ tuổi sinh hoạt trên tinh thần tự nguyện. UBND các xã rất quan tâm tổ chức hoạt động văn nghệ quần chúng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở sôi nổi.
Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tuyển chọn và thành lập đoàn tham gia ở các cấp; các nghệ sĩ, diễn viên, tuyên truyền viên có dịp gặp gỡ, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau; qua đó phát hiện, bồi dưỡng tài năng văn nghệ làm hạt nhân phong trào văn hóa quần chúng của cơ sở, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động này đang gặp khó khăn do chưa có quy định về mức chi, không có văn bản quy định để làm cơ sở lập dự toán và thanh quyết toán. Theo khảo sát của ngành văn hóa, các hoạt động văn hóa văn nghệ chi trả thù lao cho các thành phần tham gia chủ yếu dựa trên quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan đơn vị hoặc vận dụng các quy định ở lĩnh vực khác.
Các nghệ nhân tham gia Liên hoan Nghệ thuật hát then - đàn tính TP. Buôn Ma Thuột năm 2024. |
Đối với các cơ quan, đơn vị sự nghiệp văn hóa thì việc tổ chức các cuộc thi, liên hoan văn hóa văn nghệ thuộc chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan, đơn vị được giao dự toán chi ngân sách thường xuyên hằng năm theo chương trình, kế hoạch công tác. Việc lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí tổ chức các hoạt động này theo Thông tư số 09/2016/TT-BVHTTDL của Bộ VHTT-DL về tổ chức hội thi, cuộc thi và vận dụng văn bản có nội dung tương đương là Nghị quyết số 122/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định về mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh và một số văn bản liên quan.
Do chưa ban hành được nghị quyết nên chưa bảo đảm cơ sở thanh, quyết toán chi ngân sách nhà nước với Kho bạc Nhà nước. Một số cuộc thi như Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ III, Triển lãm Mỹ thuật tỉnh Đắk Lắk lần thứ II, Liên hoan tuyên truyền lưu động tỉnh Đắk Lắk lần thứ 18 đã và đang tổ chức nhưng không quyết toán được dẫn đến dư tạm ứng quá hạn tại Kho bạc Nhà nước.
Sau khi nghị quyết ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch tỉnh Đắk Lắk được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp thứ Tám khóa X (Nghị quyết số 22/2024/NQ-HĐND, ngày 12/7/2024), Sở VHTT-DL đã khẩn trương tham mưu hồ sơ xây dựng nghị quyết quy định về nội dung chi, mức chi tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh để báo cáo Thường trực HĐND tỉnh xin chủ trương xây dựng nghị quyết.
Hồng Ngọc
Ý kiến bạn đọc