Multimedia Đọc Báo in

Ngân xa tiếng đàn t’rưng

08:34, 11/12/2024

Từ tình yêu và niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc, anh Y’Phúc Êban (SN 1984, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) đã tự học hỏi, chế tác nhiều loại nhạc cụ như đàn t’rưng, đing năm, chiêng tre…

Ngồi trò chuyện trong căn nhà sàn cũ, anh Y’Phúc tâm sự, từ nhỏ anh đã có niềm đam mê bất tận với những tiếng đàn, tiếng chiêng của ông bà, cha mẹ. Đến năm 2010, anh tham gia Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk và may mắn được gặp nghệ nhân Trương Ân (nhạc công của đoàn) – người thầy đã dạy anh biểu diễn và chế tác nhạc cụ từ những loại vật liệu thô sơ như tre, nứa, lồ ô…

Em Y’ Lasar Adrơng thường cùng cha chơi đàn t'rưng.

“Qua nhiều năm tiếp xúc và chế tác nhiều loại nhạc cụ, tôi luôn dành một tình yêu đặc biệt cho đàn t’rưng và hiện tập trung chủ yếu vào việc chế tác nhạc cụ này. Thanh âm của đàn t’rưng thánh thót, lắng dịu và dễ nghe. Dù âm sắc của đàn không trong, không kêu to, vang xa như cồng chiêng hay chiêng tre… nhưng lại dễ đi vào vào lòng người bởi tiếng đàn mang cái “hồn’’ rừng núi giống với tiếng suối róc rách, tiếng thác đổ, tiếng xào xạc của rừng tre nứa khi gió thổi”, anh Y'Phúc bày tỏ.

Đàn t’rưng được làm bằng những cây nứa già, đốt dài, đường kính khoảng 35 – 40 mm. Nứa sau khi chặt về sẽ được để nguyên cây, phơi nắng khoảng 2 - 3 tuần cho thật khô; sau đó dùng dao sắc cắt thành từng khúc theo kết cấu của chiếc đàn, rồi vót chuốt lại cho cẩn thận trước khi nối vào giàn dây.

Khác với đàn t’rưng truyền thống chỉ có một dàn, đàn do anh Y’Phúc chế tạo có ba dàn gồm 46 ống nứa dài ngắn được kết với nhau bằng những sợi dây thừng mảnh tạo thành hình chữ V ngược. Thông thường ống ở trên cùng sẽ dài khoảng 90 - 100 cm, ống dưới đáy dài khoảng 25 - 35 cm. Ống nứa sẽ được giữ nguyên một đầu mấu, đầu kia được gọt vát một phần để tạo âm. Khi dùng dùi gõ vào các ống sẽ tạo thành âm thanh cao thấp khác nhau tùy độ to, nhỏ, dài, ngắn của ống. Những ống to và dài phát ra âm trầm, còn những ống nhỏ và ngắn có âm cao.

Dụng cụ chính để làm đàn ngoài con dao nhỏ sắc bén để cắt gọt ống nứa còn có một chiếc dùi tre dùng gõ vào ống nứa để thử âm. Trước đây, anh Y'Phúc chỉ dùng khả năng cảm âm tinh tế để xác định chính xác từng cung bậc, thang âm trên mỗi ống nứa riêng lẻ, vì vậy mất khoảng hai tuần để làm ra một cây đàn t’rưng, nhưng đến nay việc này đã dễ dàng và tiết kiệm thời gian hơn nhờ sự hỗ trợ của máy điều chỉnh âm thanh.

Anh Y' Phúc Êban chế tác đàn t'rưng.

Không chỉ giữ tình yêu với nhạc cụ dân tộc cho riêng mình, anh Y’Phúc còn "truyền lửa" đam mê sang cho con trai. Dù mới 11 tuổi nhưng dưới sự hướng dẫn, chỉ dạy của cha, cậu bé Y’Lasar Adrơng đã thông thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác nhau. “Được nghe tiếng đàn của cha từ nhỏ, em cảm thấy ngày càng yêu thích thanh âm của các loại nhạc cụ dân tộc. Em có thể đánh chiêng đồng, đàn t’rưng, chiêng tre, đàn klông pút… và cùng cha chế tác các loại nhạc cụ”, em Y’Lasar Adrơng chia sẻ.

Tại cuộc thi Tìm kiếm tài năng nhí tỉnh Đắk Lắk năm 2024 do Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh vừa tổ chức, Y’Lasar Adrơng đã đoạt giải Quán quân qua tiết mục độc tấu đàn t’rưng với thanh âm mộc mạc mà cháy bỏng, đi vào lòng người. Giải thưởng này là nguồn động lực to lớn để Y’Lasar Adrơng tiếp tục vươn xa hơn nữa trong tương lai, góp phần gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của  đồng bào Êđê.

Thu Thảo


Ý kiến bạn đọc