Giữ nếp nhà dài
Với đồng bào Êđê, mỗi nếp nhà dài không đơn thuần chỉ là không gian sinh hoạt của một đại gia đình, nơi gắn kết nhiều thế hệ, mà còn là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng - tâm linh, nơi diễn ra các nghi lễ cộng đồng và là một công trình sáng tạo văn hóa vật chất ấn tượng.
Giới thiệu về ngôi nhà dài của gia đình mình, chị H Thúy MLô (buôn Wiâo A, thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng) tự hào chia sẻ, chị sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong ngôi nhà dài này. Ngôi nhà được bố mẹ chị làm vào năm 1998. Trước đây, ngôi nhà có chiều dài khoảng 9 m, được làm bằng tre nứa và gỗ, mặt sàn và vách tường làm bằng cây nứa bổ nhỏ, mái lợp bằng cỏ tranh.
Theo thời gian, ngôi nhà bị xuống cấp nên gia đình chị đã quyết định tu sửa lại nhưng vẫn giữ nguyên hình dạng của nhà dài trước đó; chỉ khác là thay vì làm bằng tre nứa thì làm bằng gỗ dầu đá, lợp mái tôn để ngôi nhà thêm phần vững chãi. Sau khi chị lập gia đình, ngôi nhà được nối dài thêm một buồng để vợ chồng chị cùng sinh sống.
“Ở trong căn nhà này, tôi được tận hưởng cuộc sống đầm ấm, yên vui của một đại gia đình. Khi tôi còn nhỏ, mỗi buổi tối, cả nhà sẽ ngồi quây quần bên bếp củi, ngồi trên ghế dài kpan trong phòng khách nghe kể chuyện cổ tích về người Êđê nơi núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Nghe bà, mẹ hát những làn điệu dân ca Êđê mượt mà, sâu lắng. Nghe anh chị đánh cồng chiêng, nhảy múa... Đặc biệt, trong ngôi nhà này, chúng tôi vẫn còn lưu giữ nhiều vật dụng từ thời ông bà để lại như hai bộ chiêng, trống cổ, chiếc ghế kpan, ghế dành cho chủ nhà và ghế dành cho khách. Đây là những tài sản rất có giá trị của người Êđê chúng tôi”, chị H Thúy MLô tự hào nói.
Ngôi nhà dài truyền thống của gia đình chị H Thúy MLô (buôn Wiâo A, thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng). |
Buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) vốn nổi tiếng là buôn làng còn gìn giữ được nhiều nhà dài truyền thống nhất ở Đắk Lắk.
Theo già làng Ama H’Jenny (con rể của già làng Ama H’Rin, người sáng lập buôn Akô Dhông), thuở sinh thời, ngôi nhà dài của già làng Ama H’Rin là ngôi nhà làm bằng tre nứa nguyên bản duy nhất trong buôn Akô Dhông. Già mất, con cháu cải tạo khu đất, căn nhà cũ kỹ bị xuống cấp, mục ruỗng nên phải dỡ bỏ nhưng nhớ lời dặn của già trước đây “mất nhà dài là coi như mất cồng chiêng, mất sử thi, mất ghế kpan, mất cả Yàng, cả hồn cốt người Êđê”, nên năm 2021 con cháu ông đã phục dựng lại nguyên vẹn ngôi nhà mà trước kia vợ chồng già làng đã ở.
Con cháu cũng đang lưu giữ được rất nhiều di vật văn hóa của gia đình như chiêng, trống, ghế kpan, ché, cối, chày giã gạo… Căn nhà như một phần ký ức không thể tách rời với dân làng buôn Akô Dhông. Mỗi lần nhìn ngắm ngôi nhà, con cháu già lại thấy như ông vẫn ở đâu đây, ngồi kể sử thi cho con cháu nghe bên bếp lửa hồng.
“Chúng tôi phục dựng lại ngôi nhà sàn làm bằng tre nứa này với mong muốn lưu giữ lại nếp nhà dài thuở hồng hoang và để thế hệ mai sau cũng như du khách thập phương hiểu hơn về căn nhà dài Êđê huyền thoại”, già làng Ama H’Jenny bộc bạch.
Mặc dù đã xây dựng được một ngôi nhà mới khang trang, song gia đình bà A Duôn Ni (buôn Akô Dhông, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn giữ lại ngôi nhà dài ở bên cạnh để làm kỷ niệm và làm nơi để đại gia đình tập trung sinh hoạt mỗi dịp quan trọng.
Ngôi nhà của gia đình bà Aduôn Ni dài khoảng 13 m, chiều ngang khoảng 5,5 m. Hiện tại, ngoài phần mái tranh trước đây đã được thay bằng mái tôn, phần hiên được đổ bê tông, còn lại thì hầu như hơn 40 năm nay chưa phải sửa chữa gì. Những chiếc trụ cột, kèo đen nhánh, bóng loáng theo thời gian càng khiến cho ngôi nhà thêm phần vững chãi. Trước đây, khi cả gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống, bên trong nhà được chia thành nhiều vách.
Bây giờ, khi 7 người con của bà đã lập gia đình, theo lối sống mới làm nhà ra ở riêng, những vách ngăn ấy đã được dỡ bỏ, khiến không gian ngôi nhà như được mở rộng hơn. Hiện chỉ còn cô con gái út ở chung với vợ chồng bà. Hằng ngày, bà Aduôn Ni vẫn miệt mài ngồi dệt thổ cẩm trong căn nhà ấy. Vậy nên bên cạnh những dụng cụ như gùi, cồng, chiêng thì căn nhà của bà không thể thiếu khung cửi dệt vải truyền thống của người Êđê.
Nhiều bạn trẻ chọn chụp ảnh cưới tại ngôi nhà dài của già làng Ama H'Rin (buôn Akô Dhông, TP. Buôn Ma Thuột). |
Cùng với niềm tự hào về ngôi nhà dài truyền thống của mình, đồng bào Êđê ở Đắk Lắk nói riêng và ở những nơi khác nói chung vẫn còn nỗi niềm riêng khi những ngôi nhà dài cứ dần vắng bóng trong buôn làng. Bởi bây giờ trên rừng không còn nhiều gỗ tốt như ngày xưa nữa, cùng với đó là xu thế bê tông hóa nhà cửa nên nhà dài đúng nguyên bản truyền thống với chất liệu là gỗ, nứa, mái tranh đã có dấu hiệu mai một. Việc giữ gìn những ngôi nhà dài không chỉ là bảo vệ một kiến trúc truyền thống, mà còn giữ lấy bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Thế nên, mỗi chúng ta cần biết trân trọng và chung tay bảo vệ để những ngôi nhà dài truyền thống sẽ tiếp tục trường tồn với thời gian.
Ngọc Thùy
Ý kiến bạn đọc