Sưu tập đàn đá Đắk Sơn – bảo vật quốc gia đầu tiên ở Đắk Nông
Sưu tập đàn đá Đắk Sơn được phát hiện ngẫu nhiên trong lòng đất, khi người dân đào hố trồng tiêu tại thôn Đắk Sơn, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) vào năm 2014.
Hiện đàn đá Đắk Sơn đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đắk Nông. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1712/QĐ-TTg, ngày 31/12/2024 công nhận 33 bảo vật quốc gia (đợt 13, năm 2024), trong đó có bộ sưu tập đàn đá Đắk Sơn. Đây là lần đầu tiên tỉnh Đắk Nông có hiện vật được công nhận danh hiệu này.
Đây là sưu tập gồm 16 thanh đàn đá (lithophone) thời tiền sử, có niên đại cách nay khoảng 3.500 - 3.000 năm; trong đó có 11 thanh nguyên vẹn, 4 thanh gãy đôi và 1 thanh gãy ba nhưng có thể gắn chắp nguyên dạng, có trọng lượng dao động khoảng 1,5 kg - 6,2 kg. Các thanh đàn được chế tác từ đá phiến biến chất, có những tương đồng về đặc trưng cơ bản (như chất liệu, loại hình, kỹ thuật chế tác) với các bộ sưu tập đàn đá ở Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ như sưu tập đàn đá Lộc Hòa (tỉnh Bình Phước), gồm 14 thanh đàn; sưu tập đàn đá Bình Đa (tỉnh Đồng Nai), gồm 51 hiện vật (có 5 thanh nguyên và 46 đoạn, mảnh); sưu tập đàn đá Đa Kai (tỉnh Bình Thuận), gồm 15 thanh và 6 mảnh.
Sưu tập đàn đá Đắk Sơn gồm 16 thanh đàn đá vừa được công nhận là bảo vật quốc gia. |
Tuy nhiên, đàn đá Đắk Sơn có những đặc điểm khác nhau nhất định về chất liệu và cách sắp đặt thành các bộ đàn qua tần số âm thanh với các bộ đàn đá khác. Sưu tập đàn đá Đắk Sơn là hiện vật gốc, độc bản, sản phẩm bản địa. Theo kết quả nghiên cứu, phân tích chất liệu, lớp patin, màu sắc, kỹ thuật chế tác còn để lại trên các thanh đàn đá; tần số âm thanh, cách sắp đặt âm nhạc học thành các bộ đàn cho thấy đàn đá Đắk Sơn là một nhạc cụ cổ độc đáo được chế tác có chủ định từ rất xa xưa bởi chính những người thợ thủ công tiền sử có kinh nghiệm rất hoàn hảo từ khâu chọn nguyên liệu đến kỹ thuật chế tác đàn đá thành thạo, điêu luyện với trình độ kỹ thuật cao thể hiện qua dấu tích các vết ghè đẽo, tu chỉnh cẩn thận, tỉ mỉ.
Trên hình dáng, bề mặt các thanh đá còn hiện rõ nhiều dấu vết ghè đẽo phổ biến của hai giai đoạn tạo dáng lần thứ hai và gia công tu chỉnh, trau chuốt lần cuối. Dấu vết ghè tạo dáng lần hai ở cả hai mặt trên và dưới của các thanh đá có kích thước trung bình và nhỏ, trên nhiều vết ghè đẽo còn quan sát được các sóng ghè khá rõ. Ngoài các dấu vết của kỹ thuật ghè - chặt, trên đầu của nhiều thanh đá còn có dấu ghè đẽo thành hình gần như vỏ sò khá lớn, dày từ ngoài vào trong. Vì vậy phần phía đầu các thanh đá thường mỏng hơn thân. Đây là kỹ thuật ghè đẽo được áp dụng khá phổ biến để tạo dáng cho phần đầu thanh đàn đá. Nó tạo cho đầu các thanh đá thành đường thẳng, hoặc lồi hơi nhọn, hoặc hơi lồi hình cung tròn.
Đàn đá Đắk Sơn có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa trên vùng đất Tây Nguyên. |
Có thể thấy, với kinh nghiệm, kỹ thuật ghè đẽo - tu chỉnh tích lũy qua hàng ngàn năm trên các công cụ lao động đá, cộng đồng cư dân bản địa ở vùng Tây Nguyên đã chế tác ra các thanh đàn đá có thanh âm trầm bổng khác nhau, tạo nên những bộ đàn đá đúng như ý muốn về loại hình - kiểu dáng, với thanh âm chuẩn, trong một hệ thống giai điệu nhất định. Đây chính là một phản ảnh thể hiện trình độ đỉnh cao trong kỹ thuật và nghệ thuật chế tác đồ đá của cộng đồng cư dân cổ trên vùng đất Tây Nguyên thời tiền sử để tạo tác ra một nhạc cụ cổ độc đáo không giống với bất kỳ một loại hình cổ vật thời tiền sử - sơ sử nào.
Đàn đá Đắk Sơn là sưu tập đàn đá có giá trị văn hóa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Đắk Nông và khu vực Tây Nguyên. Đây là “những sáng tạo văn hóa nghệ thuật bản địa”, tạo lập một không gian văn hóa tinh thần vùng cao nguyên Tây Nguyên và Đồng bằng Nam Bộ trong gần một thiên niên kỷ (từ nửa cuối thiên niên kỷ II đến khoảng giữa thiên niên kỷ I trước Công nguyên). Và cho đến ngày nay, đàn đá vẫn là một loại hình nhạc cụ quý hiếm còn được lưu truyền và sử dụng trong dân gian. Chúng vừa là những nhạc cụ cũng vừa là những vật biểu trưng mang tính nghi lễ trong đời sống văn hóa tinh thần của các cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ khu vực Tây Nguyên.
Nguyễn Cẩm
Ý kiến bạn đọc