Gùi góp gạo trong tang ma của người M’nông
Chiếc gùi là vật dụng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Trong đó, đồng bào M’nông ở huyện Lắk có một loại gùi độc đáo: gùi dùng để góp gạo trong tang ma.
Gùi sử dụng trong tang ma của người M’nông được đan nhỏ hơn so với các loại gùi khác, có chiều cao từ 17 - 27 cm, đan nan xéo theo kỹ thuật đan lóng đôi, tạo hình dạng trụ tròn, đáy vuông được tạo thành từ hai thanh tre bắt chéo hình chữ X, vành miệng cạp bằng tre uốn cong được cố định chặt chẽ bằng dây mây. Hai quai đeo tết bằng mây và luồn từ dưới đáy lên bên trong vành miệng.
![]() |
Gùi sử dụng để đi tang ma của người M'nông được trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk. |
Hầu như gia đình M’nông nào ở huyện Lắk cũng có chiếc gùi này và chỉ sử dụng khi trong buôn có tang ma. Gùi được dân làng dùng để đựng gạo góp cho gia đình có người mất, thông thường mỗi gia đình sẽ góp một gùi nhỏ gạo.
Theo già Do Khai (ở buôn Drung, xã Yang Tao, huyện Lắk), với phong tục của đồng bào M’nông, mỗi khi gia đình nào trong buôn có người mất thì cả buôn cùng đến chia buồn và giúp đỡ gia đình lo tang ma chu đáo. Đáp lại tình cảm của bà con buôn làng, gia đình có người mất tổ chức nấu cơm để bà con ăn uống trong những ngày ở lại giúp việc. Do số lượng người đông nên việc góp gạo này nhằm chia sẻ khó khăn với gia đình có người mất.
![]() |
Bộ sưu tập gùi được trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk. |
Có thể nói, ngoài việc được sử dụng trong lao động hằng ngày, chiếc gùi còn trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của người M'nông, thể hiện sự gắn kết, sẻ chia giữa các thành viên trong cộng đồng buôn làng.
Để bảo tồn và giới thiệu nét văn hóa độc đáo cũng như những tiện ích của chiếc gùi trong đời sống sinh hoạt, lao động của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Bảo tàng Đắk Lắk đã sưu tầm và đang lưu giữ, bảo quản bộ sưu tập hơn 100 chiếc gùi của người Êđê, M'nông, J’rai,… trong đó, chiếc gùi góp gạo tang ma của người M'nông ở huyện Lắk là hiện vật độc đáo.
Hiểu Lam
Ý kiến bạn đọc