“Đánh thức” nhịp chiêng bằng công nghệ
Giữa nhịp sống hiện đại, khi thanh âm của nhạc cụ các dân tộc Tây Nguyên dần thưa vắng trong đời sống thường nhật thì công nghệ lại trở thành công cụ giúp những giá trị truyền thống được hồi sinh và lan tỏa.
1. Là một hướng dẫn viên du lịch, anh Y Thiên Adrơng (35 tuổi, buôn Akô Dhông, TP. Buôn Ma Thuột) đã chọn cho mình cách làm đầy mới mẻ và sáng tạo khi đưa tiếng cồng, tiếng chiêng vang xa qua mạng xã hội. Gần 8 năm qua, anh trở thành cầu nối giữa công nghệ và di sản văn hóa, góp phần lan tỏa vẻ đẹp của văn hóa cồng chiêng đến với cộng đồng.
Năm 2017, sau thời gian sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, Y Thiên quyết định trở về Đắk Lắk. Với tình yêu sâu đậm văn hóa dân tộc mình, anh bắt đầu đăng tải những video, hình ảnh và bài viết về văn hóa Êđê lên tài khoản Facebook cá nhân. Những chia sẻ giản dị, mộc mạc ấy nhanh chóng nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng...
Từ mạng xã hội, anh kết nối được với nhiều người yêu văn hóa trong và ngoài nước. Nhiều du khách và công ty lữ hành đã tìm đến anh như một hướng dẫn viên bản địa để được tận mắt chứng kiến, tận tai lắng nghe tiếng chiêng vang giữa núi rừng và được hòa mình vào đời sống, phong tục của người Êđê thông qua những hoạt động trải nghiệm thực tế.
![]() |
Từ bài viết trên mạng xã hội của anh Y Thiên Adrơng (đứng ngoài cùng bìa trái), nhiều du khách đã tìm đến trải nghiệm văn hóa, đời sống của người Êđê. |
Không dừng lại ở đó, anh còn mở rộng kênh truyền thông trên nền tảng TikTok và tiếp tục chia sẻ các video ngắn về lễ hội, âm nhạc truyền thống, sinh hoạt thường ngày của đồng bào Tây Nguyên. Sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và nét văn hóa truyền thống đã giúp anh lan tỏa hình ảnh cồng chiêng đến gần hơn với giới trẻ.
Y Thiên tâm sự: “Hiện nay, nhiều nghệ nhân đã lớn tuổi trong khi lớp trẻ chưa thật sự quan tâm đến cồng chiêng nói riêng và nhạc cụ dân tộc truyền thống của người Êđê nói chung. Tôi sợ một ngày nào đó, những thanh âm này sẽ rơi vào quên lãng. Vì vậy, tôi muốn lưu giữ và chia sẻ những hình ảnh, âm thanh, câu chuyện để đời sau còn có cái mà học, mà hiểu”.
Năm 2023, anh cùng một người bạn thành lập một trang web mang tên Sap Rje với mong muốn gìn giữ, bảo tồn và phát triển các nhạc cụ âm nhạc truyền thống một cách bền vững. Sap Rje chuyên sản xuất, bảo hành, sửa chữa và phục hồi các loại nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, đàn t’rưng…; tổ chức các chương trình biểu diễn chuyên đề, sự kiện văn hóa cho các đoàn du khách. Y Thiên dự định sẽ phát triển và kết nối kênh YouTube, nơi chia sẻ nhiều video về lễ hội, nghệ nhân trình diễn nhạc cụ truyền thống và hành trình tìm hiểu bản sắc với trang web này nhằm giúp mọi người tiếp cận dễ dàng hơn với văn hóa của người Êđê.
2. Từ tháng 9/2024, nhóm sinh viên gồm Trảo Nhật Hằng, Lưu Vương Khánh Hà, Lương Nhật Thi và Cao Hoàng Anh (ngành Quản trị Truyền thông đa phương tiện, Trường Đại học FPT TP. Hồ Chí Minh) đã khởi xướng dự án mang tên "Tọa độ cồng chiêng". Đây là dự án ứng dụng công nghệ số để bảo tồn Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Trảo Nhật Hằng, quản lý dự án chia sẻ: “Thời gian đầu khi nghiên cứu và triển khai kế hoạch, chúng em gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm đến các nghệ nhân cũng như tư liệu về di sản. Những nỗ lực của cả nhóm đã được hồi đáp khi được gặp gỡ những nhân vật đặc biệt, trong đó có nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền, người đã hỗ trợ nhóm với bộ sưu tập những bài chiêng cổ được sưu tầm bởi ông và các cộng sự”.
![]() |
Các bạn trẻ đang nghe các bài chiêng cổ được số hóa. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Đến nay, dự án đã đạt được những dấu ấn quan trọng khi ra mắt bộ số hóa 40 bài chiêng cổ, hoàn thành bộ số hóa di sản, bao gồm 10 mô hình 3D cồng chiêng, lấy cảm hứng từ 5 bộ cồng chiêng cổ hiện trưng bày tại các bảo tàng ở Gia Lai và Đắk Lắk. Bên cạnh đó, dự án còn phối hợp cùng Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học FPT TP. Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm nhạc cụ dân tộc "Cung đàn đất nước", công bố bộ số hóa di sản và triển lãm trang phục dân tộc .
Điểm nhấn của dự án chính là sự kiện âm nhạc "Gong Night", diễn ra với sự đồng hành của lễ hội Young City và Thành Đoàn TP. Thủ Đức. Đây là nơi hội tụ những giá trị truyền thống và sáng tạo hiện đại, giúp công chúng, đặc biệt là giới trẻ có cơ hội trải nghiệm và cảm nhận sự phong phú của Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên qua những màn trình diễn kết hợp giữa cồng chiêng, âm nhạc điện tử và nghệ thuật thị giác.
Khởi đầu chỉ là một đồ án tốt nghiệp nhưng không dừng ở đó, nhóm dự án đã cùng các bạn trẻ đam mê thiết kế kỹ thuật số và làm nhạc, mang cảm hứng Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vào trong các sản phẩm thiết kế và âm nhạc nhằm lan tỏa rộng rãi đến mọi người.
Mây Nguyễn
Ý kiến bạn đọc