Nền tảng vững chắc từ “sức mạnh mềm”
Nhờ “sức mạnh mềm” của nghệ nhân – những “báu vật sống” lưu giữ kỹ thuật và tinh thần cồng chiêng – kết hợp với “sức mạnh cứng” của chính sách nhà nước đã tạo nên nền tảng vững chắc để bảo tồn di sản Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trước nguy cơ mai một.
Kể câu chuyện sống động của Tây Nguyên
Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2024, toàn tỉnh hiện có 1.515 bộ chiêng, 3.749 nghệ nhân đang nắm giữ các loại hình di sản. Những nghệ nhân này là lực lượng nòng cốt giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng ở các buôn làng.
Có nhiều năm nghiên cứu, làm việc với các nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kđăm khẳng định: “Các nghệ nhân chính là người lưu giữ và truyền dạy kỹ thuật truyền thống, họ còn được UNESCO gọi là “báu vật sống” của buôn làng.
Trong Không gian Văn hóa cồng chiêng, họ không chỉ tấu chiêng đầy cảm xúc mà còn nắm giữ bài bản về nhịp điệu, tiết tấu độc đáo của chiêng Tây Nguyên nói chung và chiêng của từng dân tộc thiểu số nói riêng; biết chế tác nhạc cụ, sáng tác, hát dân ca, sử thi…”.
Với việc nắm giữ vốn văn hóa khổng lồ ấy, việc trao truyền các giá trị văn hóa nói chung, cồng chiêng nói riêng cho thế hệ trẻ rất quan trọng. Họ không chỉ dạy kỹ thuật mà còn kể những câu chuyện về cồng chiêng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc.
![]() |
Nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng trong lễ cúng cầu mưa của dân tộc Êđê. Ảnh: Hữu Hùng |
Hơn 20 năm tham gia truyền dạy cồng chiêng, nghệ nhân Y Hiu Niê Kdăm (buôn M’Duk, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đã dạy rất nhiều lớp với hàng trăm học trò theo học, chủ yếu là lớp trẻ ở các buôn làng. Hạnh phúc của nghệ nhân là nhìn thấy sự trưởng thành của các thế học trò trong từng tiếng chiêng, tự tin tham gia biểu diễn ở các chương trình, hội thi, liên hoan trong và ngoài tỉnh... để di sản ấy được nối dài mãi mãi.
Không chỉ ở các lớp học, mà ở những nghi lễ truyền thống, qua tiếng cồng chiêng, nghệ nhân đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc, gửi gắm những thông điệp về cuộc sống, về tình đoàn kết, gắn bó với thiên nhiên đến các thế hệ trẻ. Chị H Bê Thy Niê (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar), một trong những người trẻ nhiều lần tham gia lễ cúng bến nước của buôn chia sẻ: “Qua lễ cúng, chúng tôi yêu nguồn nước, yêu thiên nhiên, có ý thức giữ gìn, bảo tồn bến nước của buôn làng...”.
Bằng hành động thiết thực, các nghệ nhân đã khẳng định Không gian Văn hóa cồng chiêng không chỉ là di sản mà còn là biểu tượng sống động, kể câu chuyện Tây Nguyên cho các thế hệ mai sau.
Tiếp thêm “sức mạnh” giữ gìn di sản
Thực hiện Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND, ngày 17/12/2021 của HĐND tỉnh về "Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2022 - 2025”, hằng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều phối hợp với các địa phương tổ chức lớp truyền dạy đánh chiêng, dân vũ để thế hệ trẻ tiếp tục kế nghiệp các nghệ nhân lớn tuổi.
Song song với việc truyền dạy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn hỗ trợ cấp phát cồng chiêng cho các buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Đến năm 2025, đã cấp phát chiêng cho hầu hết 500 buôn trên địa bàn tỉnh nhằm khích lệ, động viên tinh thần các nghệ nhân cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng.
![]() |
Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng chiêng và trang phục truyền thống cho các thôn, buôn trên địa bàn tỉnh. |
Anh Y Nem Ông, thành viên đội cồng chiêng buôn Liêng Ông (xã Đắk Phơi, huyện Lắk) bày tỏ niềm vui: “Được trao tặng chiêng, chúng tôi có điều kiện để luyện tập thường xuyên hơn. Chúng tôi mong rằng đội chiêng trẻ tiếp tục được quan tâm để có thể đi biểu diễn, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn thăm hỏi, động viên các nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú và các nghệ nhân tiêu biểu khác; thực hiện Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND, ngày 14/6/2023 của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân trên địa bàn tỉnh…
Dưới góc độ của nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Lương Thanh Sơn cho rằng, nhà nước cần đặc biệt quan tâm đến chế độ chính sách cho các nghệ nhân. Ngoài về vật chất, tinh thần thì cần quan tâm đến sức khỏe của nghệ nhân, điều này rất khẩn cấp vì họ được ví như "ngọn đèn trước gió". Khi một nghệ nhân mất đi, cả một kho tàng kiến thức, kinh nghiệm mang đi theo và không thể lấy lại được.
Thu Thảo
Ý kiến bạn đọc