Thổ cẩm hồi sinh
Cuộc sống hiện đại khiến nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Êđê đứng trước nguy cơ lụi tàn. Thế nhưng, trong các buôn làng, có nhiều người đang nỗ lực hồi sinh nghề dệt thổ cẩm truyền thống bằng tất cả tâm huyết, tình yêu với văn hóa truyền thống.
Vay tiền, dựng nhà vực dậy nghề thổ cẩm
Là người con của buôn làng, anh Y Ni Wa Byă, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) rất trăn trở khi chứng kiến nghề truyền thống của đồng bào dần vắng bóng, bản sắc văn hóa nguy cơ phai nhạt. Anh nung nấu quyết tâm phải gầy dựng lại nghề dệt thổ cẩm. Năm 2023, anh Y Ni Wa đăng ký với UBND TP. Buôn Ma Thuột mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho người dân và vận động thành lập câu lạc bộ (CLB) may dệt thổ cẩm của người Êđê tại buôn Drai Hling. CLB có 9 người nhưng chỉ hoạt động được ít tháng rồi tan rã vì đa phần các thành viên đều lớn tuổi, không có cơ sở làm việc bảo đảm, mạnh ai nấy làm.
Không chấp nhận thất bại, anh Y Ni Wa bàn bạc với vợ thế chấp sổ đỏ căn nhà đang ở để vay ngân hàng lấy kinh phí đầu tư khôi phục nghề. Có tiền, anh dựng căn nhà sàn khang trang rộng chừng 100 m2 với chi phí 400 triệu đồng ngay trên đất gia đình đang sinh sống tại buôn Buôr để các thành viên CLB làm việc và trưng bày sản phẩm thổ cẩm.
Làm nhà xong, anh lại vận động, kết nối nhà tài trợ hỗ trợ máy may, máy vắt sổ và mua vật liệu của bà con làm. Vợ anh, chị H Dring Niê cũng đồng thuận với việc làm của chồng. Anh chị vận động tập hợp các nghệ nhân lớn tuổi và những người có nhu cầu học nghề thổ cẩm lại và nói về mong muốn khôi phục nghề dệt thổ cẩm. Thấy ưng cái bụng, 15 phụ nữ trong các buôn hưởng ứng, lập nên Tổ dệt may thổ cẩm truyền thống của người Êđê, xã Hòa Xuân.
![]() |
Vợ chồng anh Y Ni Wa Byă (xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) tâm huyết với thổ cẩm. |
Trong tổ có 9 người biết dệt thành thạo thổ cẩm truyền thống sẽ truyền dạy lại cho những người chưa biết. Tuy nhiên, phần lớn các thành viên đều chưa rành rẽ về may, nhất là các sản phẩm phức tạp, đòi hỏi sự tinh xảo, chi tiết phức tạp. Do đó, vợ chồng anh Y Ni Wa kết nối các tổ chức, đơn vị về dạy nghề may miễn phí cho các thành viên. Bình thường, các thành viên tự làm ở nhà, cuối tuần tập trung lại cùng làm để chia sẻ, nâng cao tay nghề.
“Nếu không cố gắng duy trì thì mai này nghề dệt thổ cẩm truyền thống sẽ là dĩ vãng. Hy vọng rồi đây nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Êđê nơi đây sẽ sống lại”- Anh Y Ni Wa Byă. |
Anh Y Ni Wa Byă cho biết, mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng các thành viên đã làm được một số sản phẩm, từ quần áo đến đồ dùng, thu nhập đầu người khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng.
Các thành viên sẽ tiếp tục được học may nâng cao để làm thêm những sản phẩm như túi thời trang, đồ học sinh và túi thể thao. Sản phẩm thổ cẩm đang có nhu cầu tiêu thụ lớn, nhất là khách du lịch. Hiện đã có một số khách hàng muốn hợp tác mua hàng.
Thời gian tới, khi tay nghề vững vàng, bà con làm được số lượng nhiều, bảo đảm chất lượng thì có thể kiếm được thu nhập 5 – 6 triệu đồng/tháng. Tổ sẽ thành lập CLB để hoạt động hiệu quả và bền vững hơn. Quan trọng hơn là từ ngày tổ dệt may thổ cẩm hoạt động, bà con các buôn rất phấn khởi vì nghề truyền thống của đồng bào dần được khôi phục.
Chị H Dring Niê, Tổ trưởng Tổ dệt may thổ cẩm truyền thống của người Êđê, xã Hòa Xuân cho biết, hè này, tổ sẽ mở lớp dạy nghề dệt may thổ cẩm miễn phí cho học sinh trong buôn. Các em sẽ được hướng dẫn cụ thể về đan chỉ tơ, dệt thành tấm thổ cẩm, đo cắt và may hoàn chỉnh sản phẩm thổ cẩm nhằm duy trì nghề dệt thổ cẩm, bảo tồn nét văn hóa truyền thống người Êđê, vì đó là tài sản quý giá mà thế hệ ông cha để lại cho con cháu.
Đi cùng thổ cẩm trên đôi chân tật nguyền
Bên cửa nhà, bà H’Yar Kbuôr (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) chống nạng, mân mê chiếc áo thổ cẩm vừa hoàn thành với ánh nhìn say mê. Đó là sản phẩm được làm nên không chỉ bằng đôi tay khéo léo, tình yêu với thổ cẩm mà cả nghị lực phi thường và hành trình vươn lên số phận của người phụ nữ tật nguyền.
Sinh ra lành lặn nhưng định mệnh nghiệt ngã xảy ra với bà H’Yar Kbuôr khi lên 5 tuổi, sau một trận ốm khiến một chân bà teo dần rồi liệt hẳn, sau đó phải gắn bó với chiếc nạng gỗ cả đời. Lê lết đi học đến lớp 6, bà phải nghỉ học do trường quá xa. Thương con gái suốt ngày chỉ biết quẩn quanh ở nhà, mẹ H’Yar đã truyền dạy cho con nghề dệt. Thường xuyên tiếp xúc với khung cửi, tình yêu thổ cẩm cứ thế thấm sâu vào cô gái nhỏ. Bù lại cho sự thiệt thòi, H’Yar có đôi tay khéo léo và tình yêu đặc biệt với những tấm thổ cẩm, đó là niềm vui lớn nhất trong những ngày thơ bé.
![]() |
Bà H’Yar Kbuôr và nhiều phụ nữ Êđê ở xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) đang cùng nhau gìn giữ nghề thổ cẩm. |
Đến tuổi thiếu nữ, H’Yar Kbuôr đã thành thạo dệt thổ cẩm. Sau đó, bà lại mày mò tự học nghề may. Người bình thường thì vài ba tháng đã lành nghề, khuyết tật chân như bà phải vật lộn cực khổ mấy năm trời mới may được. Giỏi dệt thổ cẩm, biết thêm nghề may, bà H’Yar mở tiệm may nhỏ trong buôn để tự kiếm sống. Bà làm được các loại quần áo, vòng tay, túi xách, quần áo, ba lô học sinh… Sản phẩm thổ cẩm của bà có đường nét, hoa văn tinh xảo, đậm chất truyền thống nhưng vẫn hiện đại nên được bà con trong buôn ưa chuộng và đặt hàng ngày một nhiều.
Năm 2021, bà H’Yar đã đưa ý tưởng dệt may thổ cẩm truyền thống đến với Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk tổ chức. Sản phẩm thổ cẩm của người phụ nữ Êđê khuyết tật đã gây ấn tượng đặc biệt với Ban giám khảo không chỉ bởi chất lượng, thẩm mỹ, tính khả thi mà còn là nghị lực mạnh mẽ, gây xúc động và truyền cảm hứng vươn lên cho chị em. Sau sự kiện này, bà được một số tổ chức, cá nhân tặng máy vắt sổ, tư vấn thêm các mẫu sản phẩm mới đang thịnh hành và hỗ trợ tiêu thụ đầu ra sản phẩm.
Câu chuyện cuộc đời của bà H’Yar Kbuôr khiến nhiều người dân địa phương mến phục. Ấy vậy nên khi bà có ý định tập hợp chị em cùng nhau duy trì và phát triển nghề thổ cẩm thì nhiều người đồng tình hưởng ứng. Năm 2022, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Kala được thành lập với sự tham gia của 18 thành viên. Từ ngày thành lập, tổ hợp tác là nơi để những phụ nữ nơi đây chia sẻ vui buồn cùng thổ cẩm, có thêm việc lúc nông nhàn. Đặc biệt, nghề dệt còn mang lại cho họ khoản thu nhập mỗi người thêm khoảng 3 triệu đồng/tháng và nhờ đó đã giúp họ cải thiện đáng kể cuộc sống.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc