Multimedia Đọc Báo in

Dưới bóng hàng gòn

08:46, 20/03/2022

Những chiều gió lộng, tôi thường ra sân bắc ghế ngồi nhìn hàng gòn đong đưa trong bóng chiều. Thân gòn vươn cao, lá gòn rụng gần hết chỉ còn cành nhánh khẳng khiu xanh lè và vô số trái gòn lúc lỉu.

Mấy lần chú tôi định đốn hạ hàng gòn. Chú nói loại này vô dụng, gỗ giòn khấy không đóng tủ bàn được, sống chỉ thêm chật đất. Nhưng bà tôi ngăn, bà nói thương hàng gòn, nhìn chúng vậy chứ nhiều công dụng. Hàng gòn điểm tô cho xóm mình thêm đẹp, để ai ở xa về chỉ cần hỏi “xóm hàng gòn” ở đâu thì người dân xứ này đều biết mà chỉ đường. Mùa gòn chín bà hay lấy cù móc lôi trái gòn khô xuống lấy bông gòn làm ruột gối nằm êm ái giấc đêm. Lá gòn bà bán cho người xóm khác mua về làm nhang, mấy đứa trẻ con táy máy tay chân lấy dao phay chặt mấy nhát sâu vào gốc gòn để trời nắng mủ tươm ra, khô lại thành mủ gòn, mỗi độ trưa hè đem mủ gòn uống với nước đá là mát rười rượi. Cũng có lần tôi theo chân đám trẻ tinh nghịch trong xóm đi lấy mủ gòn về cho má làm nước, nấu chè. Bông gòn nhiều làm ruột gối không hết, chị tôi tất tả mang ra chợ bán. Dù chẳng được bao nhiêu nhưng hàng gòn vô tình làm thành ký ức đẹp của chị em tôi.

Minh họa: Trà My

Chú tôi nghe lời bà nên không nỡ đốn hạ gòn. Những cây gòn cứ thế vươn cao. Gòn xanh mướt trong nắng gió buổi trưa. Gòn in hình trên khoảng trời đỏ lửa mỗi độ hoàng hôn buông xuống. Cây gòn đã lưu dấu tuổi thơ tôi. Những trò chơi trẻ con như trốn tìm, bắn bi, ô quan… cũng diễn ra dưới bóng mát của cây gòn. Từ bóng râm ấy, những đứa trẻ xóm nghèo đã lớn dần lên, những người già như bà tôi lưng ngày thêm còng xuống. Hàng gòn che mát chị tôi từ thuở chị còn thơ cho đến khi mang vóc hình thiếu nữ. Hàng gòn nghiêng nhìn tôi nhổ tóc sâu cho bà trong những chiều thanh yên, nhìn tôi cun cút ôm giỏ theo bà đi chợ xa. Với trẻ thơ, được đi chợ là một niềm vui không kể xiết.

Bà tôi thuật lại lời người xưa, cây gòn mọc được chín tầng sẽ tự động chết. Vậy mà hàng gòn xóm tôi đã mọc hơn mười tầng, mười mấy tầng mà cây vẫn xanh mướt mượt, sức sống vẫn bền bỉ, dẻo dai. Trừ những cây chênh vênh ở bờ sông đã đổ sập sau một đêm mưa bão, thì những cây gòn khác vẫn khỏe khoắn vươn mình. Gió giông vẫn không dễ gì đổ sập. Sau này, mỗi lần đi xa về quê tôi lại dành những buổi chiều yên tĩnh ra ngồi dưới bóng mát của cây gòn nhìn cảnh quê sau bao nhiêu năm vẫn không hề đổi thay. Tuổi thơ nhanh quá. Mà cây gòn vẫn tư lự bên đường quê. Gòn tiễn từng đợt rời quê, tiễn những đứa trẻ năm nào quấn quýt với hàng cây, giờ lớn lên và tỏa ra mỗi đứa một phương trời. Gòn cứ đợi chờ từng ngày. Vậy mà chừng ấy năm, chưa một lần hàng gòn thấy đám trẻ năm xưa tụ họp đủ mặt, thế nào cũng thiếu một vài đứa...

Mỗi lần nghĩ về cây gòn, tôi lại nhớ đến bà tôi, chị tôi. Bà tôi giờ đây tóc bạc, lưng còng hơn, mỗi lần đi ra đến sân nhà là chân bắt đầu đau nhức. Bà chỉ có thể ngắm hàng gòn từ xa. Chị tôi cũng đã lấy chồng xa, giờ đây là vợ, là mẹ,… Tôi cũng đi xa lập nghiệp.

Hôm nọ, má gọi điện lên bảo người ta đã đốn trụi hàng gòn để làm đường. Tôi bàng hoàng một chốc rồi tự nhiên nước mắt ứa ra. Hàng cây mà tuổi thơ nấp bóng giờ cũng đã về với gió mất rồi… Gòn ơi!

Hoàng Khánh Duy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.