Multimedia Đọc Báo in

“Miên viễn trời xanh” - miên viễn tình!

08:56, 12/11/2023

(Nhân đọc tập thơ “Miên viễn trời xanh” của Trần Phố, NXB Hội Nhà văn - 10/2023)

Đọc tập thơ “Miễn viễn trời xanh” của Trần Phố xong, ngồi ngẫm nghĩ, tôi thấy cái tình của anh trong thơ cũng thật miên viễn. Sự miên viễn này không chỉ có trong tập thơ mới này, mà đã có, rất phì nhiêu trong cả ba tập thơ trước của anh: “Hoa trong cỏ”, “Thầm thức cùng tiếng chim” và “Đủng đỉnh trăng về”.

Quả thật cái tình, vấn đề nổi bật nhất trong thơ Trần Phố, được kéo dài mãi không dứt. Đó là tình của người làm con với cha mẹ, tình anh em bạn bè, tình yêu, tình quê hương đất nước.

Với Trần Phố, cái tình ấy không chỉ xuất phát từ trái tim mà còn được ươm mầm, được thăng hoa từ cách sống, bản lĩnh sống của anh - một con người hiểu mình, hiểu đời. Nhờ đó, anh xây đắp được cho mình một nền tảng tinh thần để sống ung dung, tự tại.

Điều này được thể hiện rất rõ trong tập thơ “Miên viễn trời xanh”: “Không còn mơ trời cao bể rộng/ Miền rong chơi là yêu mọi con người” (trang 28), “Và hoa cỏ cứ xanh đời hoa cỏ/ Ta nhỏ nhoi vẫn cứ nhỏ nhoi hoài/ Đành cứ vậy, buồn vui là chuyện nhỏ/ Ta cứ ung dung trong cõi con người” (trang 31).

Cũng vì hiểu mình, hiểu đời, nên anh biết nhẫn, biết kiên trì chống đỡ mọi bất trắc để vươn lên vui với đời, khẳng định mình: “Bầm dập cùng giông gió/ hiên ngang cùng thú đau thương/ Thông ơi thông cứ xanh rừng thẳm/ Ca hát vui đùa với nắng sương” (trang 33). Và vì thế ngày sinh nhật của anh bao giờ cũng đẹp: “Khu vườn tràn ngập nắng/ Xôn xao một khoảng trời/ Cây vươn cành nhân ái/ Hát mừng sinh nhật tôi” (trang 29).

 

Nhờ lối sống ung dung, tự tại, con mắt nhìn đời tích cực, nên cái tình trong thơ Trần Phố mới “vững gốc” để vươn cành “miên viễn”. Anh có những câu thơ thể hiện tình cảm với cha mẹ trong ngày về viếng mộ sau bao năm xa, thật sâu sắc, thấm thía: “Ngơ ngác con về cố quận/ Nhà xưa đã bán lâu rồi/ Nén nhang thắp đỏ chiều Long Phụng/ Nhang đỏ lòng đau mấy cõi trời!” (trang 43); hay: “Sỏi đá đường đời xô con đi mãi/ Bồi hồi về lại nhà xưa/ Tìm cha, tìm mẹ, tìm thơ dại/ Xa vắng/ Ngậm ngùi/ Đẫm gió mưa!” (trang 46).

Là người con của quê hương Quảng Ngãi, phải xa quê đã hơn nửa thế kỷ đến Đắk Lắk để mưu sinh, nhưng lòng anh luôn hướng về quê, nghĩ về quê, nhất là trong thời kỳ đất nước, quê hương đang có nhiều thay đổi. Nhiều đêm anh khó ngủ, thao thức vì những nỗi quê: “Núi Bút của ta còn xanh không nhỉ?/ Cẩm Thành gió Lào còn hâm hấp băng qua?/ Sông Trà yêu thương còn xôn xao tiếng sóng?/ Rạ rơm ơi thương nhớ mấy cho vừa!” (trang 62).

Không chỉ thể hiện tình yêu với quê cũ, thơ Trần Phố cũng sâu nặng ân tình với mảnh đất Đắk Lắk, nơi anh đã chọn làm quê hương thứ hai. Và vì thế thơ anh cũng hồ hởi, reo vui cùng đất trời và lòng người ở đây: “Chim đua hót, hoa sầu riêng thơm ngát/ Cánh trắng bay quả nhú đầy cành/ Gió xuân đến bạn bầu ve vuốt/ Ánh mắt người tình tứ long lanh” (trang 69). “Voi hồ Lắk vươn vòi, khoe bắp/ Công Bản Đôn xòe cánh vẫy đuôi/ Cao nguyên nói với cao nguyên:/ Muôn chồi non cao nguyên đều có thể/ Viên mãn ước mơ dưới ánh mặt trời” (trang 89).

Trần Phố không chú tâm nhiều cho thơ tình, nhưng những bài thơ tình có trong tập thơ này khiến người đọc không thể không “ngẩn ngơ” cùng tác giả: “Đường tình cây mơn mởn/ Chân em hồng non tơ/ Sỏi đá từ lâu ngủ/ Bỗng mắt tròn/ Ngẩn ngơ” (trang 42). Con mắt nhìn của nhà thơ tuổi “thất thập” mà tươi trẻ, trong sáng, mới mẻ, đa tình và tinh tế biết bao!

Nói thơ Trần Phố “miên viễn tình”  không có nghĩa là anh đắm mình vào đó để quên chuyện thế sự. Có điều khác ở Trần Phố, là khi viết về chuyện thế sự, không như nhiều người thường “đao to búa lớn”, ngòi bút của Trần Phố khá thâm trầm, thâm trầm mà sâu sắc: “Cóc ở cửa hang thường khoác lác/ Chim hạc tung trời vẫn lặng thinh!” (trang 77). Anh báo động về tình trạng phá rừng, chặt cây xanh đang xảy ra mỗi ngày, về thói vô trách nhiệm, tự xem mình vô can của mọi người dân, của các cơ quan chức năng khiến môi trường sống ngày càng bất an bằng bài thơ ngắn có vẻ như “nhẹ nhàng”, nhưng khiến người đọc cũng cảm thấy “bất an” cùng anh: “Năm giờ chim đã hót/ Năm giờ hoa đã hương/ Năm giờ cưa gầm rú/ Cây đổ nhào/ Tang thương/ Tôi hỏi thinh không vì sao rừng bị phá/ Một khoảng lặng im, im lặng đến bất thường/ Cõi lòng tôi một nỗi gì không rõ/ Hình như là bất an!” (trang 106). 

Đặc điểm của thơ Trần Phố là ngắn. Bài nào cũng có tứ rõ ràng. Hình như chỉ khi nào cảm xúc về một vấn đề nào đó chực trào, anh mới cầm bút. Theo nhận xét của nhà phê bình văn học Lê Thành Văn thì “Mỗi bài thơ trong thi tập “Miên viễn trời xanh” là một chỉnh thể nghệ thuật đẹp đẽ về nội dung và hình thức, nhất là những thi phẩm tứ tuyệt đạt đến mức hoàn hảo”. Bài tứ tuyệt có tựa đề “Tặng em” sau đây, là một minh chứng cụ thể: “Không tuổi tác, không đúng sai/ Tài hoa, nhan sắc thì cài lòng nhau!/ Không logic, không trước sau/ Yêu thương là nhớ, là đau với tình”. Tính cách sống của Trần Phố trong thơ là vậy, trong đời cũng là vậy!

      Đặng Bá Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.