Multimedia Đọc Báo in

Mùi tháng Chạp

05:38, 14/01/2024

Tháng Chạp gõ cửa nhà bằng đợt nắng vàng hanh, mảnh đất sau nhà đã dậy lên những tiếng lá khô xào xạc, chờ bàn tay của bà vun đống và đốt sạch sẽ.

Người ta thường nhớ tới tháng Chạp trong một hình hài của tháng củ mật, tháng cuối năm nhiều tất bật và dồn ứ công việc. Tôi thì lại bồi hồi thương nhớ những mùi tháng Chạp. Những mùi vị thân thương theo tôi suốt năm tháng ấu thơ cho đến lúc trưởng thành đi xa.

Tháng Chạp tôi nhớ nhất là mùi khói. Đầu tiên ký ức nhắc tới là khói đốt đồng. Tháng Chạp ruộng đồng khô hanh, bà con nông dân bắt đầu đi cào cỏ khô, rơm rạ còn sót lại đốt để chờ ngày dẫn nước cho mùa đổ ải chuẩn bị cày cấy. Khói đốt đồng lẫn hơi bùn đồng ruộng quyện cái lạnh của mùa đông đang thấu buốt mang một mùi vị đặc biệt. Tôi chẳng biết diễn tả như thế nào cho đúng cái mùi vị đó, chỉ biết rằng mình rất thích được hít hà cho căng lồng ngực. Khói tháng Chạp còn hiện diện trong tôi vào những ngày bà vun cỏ dại trong vườn, cào lá khô ở ngõ và bắt đầu đốt. Những lọn khói bé xíu có khi chẳng thoát lên được vì vướng phải mấy cọng cỏ tươi. Mùi khói lúc này mang một chút âm ẩm, một chút tươi mới của màu cỏ xanh non.

Tôi men theo ký ức về những lần tát ao, tát đìa bắt cá cuối năm. Tháng Chạp lấp lánh mùi bùn non trong ao, đìa. Bùn non vẩy dính lên khuôn mặt chằng chịt vết thời gian khắc khổ, lên tấm áo lao động lấm tấm những giọt mồ hôi. Người nuôi nhiều thì đây cũng là dịp để có đồng tiền ăn tiêu trong dịp Tết. Người nuôi ít hân hoan không sợ phải thiếu thực phẩm trong mấy ngày Tết và ra xuân nông nhàn. Cách bà con chia nhau từng xâu cá, từng mớ tép ao, con ốc mà thấy thương những rộn ràng cho một mùa xuân cận kề.

Minh họa: Trà My

Mùi tháng Chạp đó đây len trong mùi những mẻ mứt mẹ làm. Mứt gừng cay cay, mứt bí đao thanh thanh, còn mứt dừa lại ngọt mướt. Mẹ thường tranh thủ vào những buổi tối khi công việc đồng áng đã xong, vào chái bếp cặm cụi nhóm lửa, cắt gọt làm cho tới tận đêm khuya. Cả gian bếp như được ướp hương bởi mùi mứt, gợi mở về những ngày xuân thảnh thơi, nhâm nhi trong câu chuyện tình người. Mẹ tôi nói Tết nhất thiếu thốn cỡ nào cũng phải có sợi mứt trong nhà, âu cũng là tôn trọng khách tới chơi và để cho mấy đứa con hoan hỉ.

Mùi tháng Chạp gợi nhớ cho tôi những phiên chợ quê tấp nập. Thường thì qua ngày hai mươi người dân quê tôi mới gọi là chợ Tết, nhưng đầu phiên chợ ngày tháng Chạp cũng đã rộn ràng lắm rồi, không thua kém phiên chợ Tết là bao. Đến chợ tháng Chạp, dòng người đổ về đông đúc. Kẻ bán, người mua với đủ đầy các chủng hàng khác nhau. Lạ thay tới chợ tôi ngửi thấy mùi người trước tiên. Cái mùi ở đây là mùi của tình người, của tấm áo gụ nâu sòng lấm tấm những giọt mồ hôi, mùi của đôi bàn tay quán xuyến những mặt hàng rau, củ, quả, cá thịt. Mẹ tôi nói chợ mình toàn người hiền. Và chợ tháng Chạp mang dáng dấp của một làng quê thu nhỏ. Ở đó mọi người gặp nhau trao đổi và chuyện trò.

Và cuối cùng là mùi của những buổi chiều cuối năm. Chậu vạn thọ hăng hăng bông nào bông nấy ú nu vàng hươm. Hoa thược dược kiêu hãnh với nhiều sắc màu, hoa hồng nhu thơm ngào ngạt. Và lẩn trong hương thơm đặc biệt đó là mùi của lá mùi già trong nồi nước tắm tất niên. Mùi hương trầm thoang thoảng bố chuẩn bị bài cúng tổ tiên tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới.

Đôi khi tôi thấy mình thật tham lam, muốn níu kéo tất cả mùi tháng Chạp rộn ràng kề bên. Và cứ nôn nao chờ đợi tháng Chạp để được về quê nhà hòa cùng không khí, đắm chìm giữa muôn vàn mùi vị yêu thương…

Đào Thanh Tùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.