Ngõ xưa trong miền ký ức
Tôi sống và làm việc ở phố nhiều năm. Nhịp sống hối hả, náo nhiệt nơi đây khiến tôi có cảm giác bức bối, khó chịu khi phải chạy xe qua các đường phố chen chúc người và tiếng động cơ, những con hẻm nhỏ, quanh co. Những lúc ấy tôi lại nhớ da diết con ngõ ở quê.
Tôi thầm gọi con ngõ ở quê là ngõ xưa bởi hình ảnh mộc mạc và thân thuộc của nó đã in sâu trong tiềm thức. Nơi ấy có một khóm tre, một hàng rào cánh sẻ, dây tơ hồng quấn quanh. Nơi ấy có một cây sầu đâu, khi mùa xuân chưa tàn, hoa tím đã rơi đầy ngõ vắng. Nơi ấy có cái trụ gạch rỗng bên trong, cất giữ biết bao kỷ niệm của thời niên thiếu...
Ngõ xưa yên bình gieo thương khắc nhớ. Người quê đã bao lần đi về hôm sớm, chia ly và đoàn tụ cũng ở con ngõ này. Tuổi thơ đầu trần chân đất, ngay cả lúc mới chập chững bước đi, bi bô hai tiếng “mẹ cha”, con ngõ đã trở thành khoảng trời dấu yêu để mỗi trưa tròn bóng chị ẵm em ra đợi mẹ đi chợ về, để mỗi độ hoàng hôn chị em dắt tay nhau trông về phía cánh đồng, thấp thoáng dáng cha bước qua bờ thửa là reo lên thích thú.
Ngõ xưa mãi neo trong ký ức bao người về hình ảnh một góc quê mang nét đặc trưng truyền thống của vùng miền, của xứ sở. Con ngõ bình dị nối khoảng sân của từng ngôi nhà với con đường chạy ngang bằng một lối đi trồng hai bên có thể là hàng cau, có thể là hàng chè tàu. Ngõ xưa đã ôm ấp, chở che cho tôi lớn lên. Dưới tán cây xanh, ông chăm chút vót từng chiếc nan làm diều cho tôi. Bà bỏm bẻm nhai trầu, kể chuyện mùa màng, chuyện hạt gạo dẻo thơm trải qua đôi tay cần mẫn sảy sàng, gom nhặt. Tôi ra đi từ con ngõ, từ những yêu thương, lời dạy của mẹ cha làm hành trang trên vạn nẻo đường. Nhưng cũng có người như ông bà, cha mẹ cả đời chưa bước chân đi đâu, cứ quẩn quanh bên con ngõ nhỏ với những gì đã cũ và những tập tục.
Biết bao mùa đi qua ngõ xưa ấy. Tôi nghe trong lòng trỗi dậy cảm xúc miên man. Những yêu thương dắt tôi trở về, chạm tay vào ngày tháng cũ, để bồi hồi, để luyến tiếc, để hàm ơn. Từng làn gió từ đồng xa thổi lại, mang theo hương lúa ngậm đòng, mang theo vị nồng của đất, của phèn chua. Tôi đứng trông theo bóng cò trắng mỗi khi chiều nghiêng nắng nhạt. Dư âm của làng quê, của những ân tình cứ đằm dịu giữa lòng tôi.
Minh họa: Trà My |
Nhớ ngày vào đại học, cũng tại con ngõ này, cha mẹ tiễn chân tôi. Lần đầu xa quê, xa vòng tay của gia đình, lòng tôi dâng ngập niềm thương nhớ. Nơi thành phố xa lạ, xô bồ, trên căn trọ hẹp nằm sâu trong con hẻm hun hút, tôi đã rấm rứt khóc vì nhớ nhà, nhớ con ngõ sớm chiều vui chơi, tụ tập bạn bè. Tôi đã khỏa lấp nhớ nhung bằng việc học ở giảng đường, bằng việc đọc sách ở thư viện hay bằng những bài thơ, những ghi chép tản nạn. Nhưng rồi, ngõ xưa vẫn thiết tha níu gọi để tôi luôn hoài vọng, nhớ về.
Thời gian trôi qua, ngõ xưa vẫn bình yên nằm nghe gió trở, đón đợt mưa rào, vớt giọt nắng hanh, ngõ xưa vẫn âm thầm đong đầy kỷ niệm dẫu ký ức có thể rêu phong, ngõ xưa vẫn miên mải, ưu tư đợi bước chân người xa quay về. Vì bởi từ con ngõ này, bao lớp người đã ra đi, có người trở về nhưng cũng có người khước từ quá khứ bởi nhiều lý do. Tôi và lũ bạn một thời đánh đáo, nhặt từng viên bi long lanh sắc màu ở con ngõ ban trưa giờ đã trưởng thành. Thỉnh thoảng gặp nhau ở phố, nhắc nhớ những ngày ở quê, có đứa thờ ơ, ngoảnh mặt, có đứa hồ hởi, say sưa. Tôi là gã nhà quê chính hiệu, cuộc sống phố phường không thể gột được váng phèn còn neo ở kẽ móng, bữa tiệc nhà hàng không thể làm phai giọng nói đặc sệt vùng miền. Tôi trân trọng và giữ gìn góc quê, lời quê để rồi từng đêm bồi hồi nhớ về ngõ xưa bình dị giữa thời kỳ công nghiệp không khói và những dự án nhà cao tầng lấn át từng mét đất nông thôn.
Và một hôm, tôi trở về quê, lặng đứng trước con ngõ ngày xưa, nghe gần gũi và thân thương quá đỗi. Chợt vang lên trong niềm nhớ, men theo ký ức, bước chân thơ bé tìm về, hồn nhiên chạy nhảy khắp ngõ xưa.
Sơn Trần
Ý kiến bạn đọc