Multimedia Đọc Báo in

Chổi quê

07:56, 31/03/2024

Có cái chổi thôi mà cũng phân biệt chổi quê hay chổi phố. Bạn tôi cười xòa và nói như vậy khi tôi nói rằng đang nhớ chổi quê vô cùng. Rồi bạn dừng lại một ít giây, lại cười xòa như vừa chợt nhận ra một chân lý nào đó.

Quả đúng là như vậy, thường thì ở quê người ta mới làm chổi, chứ ở phố chẳng có ai làm, có chăng là sản xuất các loại chổi công nghiệp dùng lau nhà các kiểu thôi. Tôi mỉm cười lại với bạn và bắt đầu thủ thỉ về những chiếc chổi quê.

Vào những năm 1990 trở về trước quê tôi nghèo lắm. Đời sống bà con nông dân chật vật với vài vụ lúa và một vụ hoa màu. Thiếu thốn chồng chất, thêm thời tiết khắc nghiệt nên dường như “cái khó ló cái khôn”, những vật dụng nào có thể tận dụng làm thủ công là người dân làm. Những đồ dùng quen thuộc trong nhà: giần, sàng, thúng, mủng đều được làm bằng tre, nứa. Hay những chiếc quang gióng cũng được bện bằng sợi dây mây chắc khỏe, hoặc dây leo trong rừng dai bền. Trong vô vàn những đồ dùng thủ công, những chiếc chổi khiến tôi nhớ hơn tất cả.

Chổi có nhiều loại và cũng được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau. Chổi để quét ban thờ, quét trên chạn, trên bếp thì được làm từ những sợi rơm vàng óng ả. Chổi quét trong vườn thì được làm từ tán tre chẻ nhỏ. Chổi quét ở sân thì kết bằng những bông chít, hay cành lá dành dành. Và có khi làm từ lá cọ hoặc lá dừa. Nhà nào nhà nấy đều có ít nhất 2 - 3 loại chổi. Mỗi loại lại có 3 - 4 chiếc để dành.

Bà tôi đặc biệt quan tâm tới chổi rễ tre bởi bà thường xuyên quét dọn vườn tược. Lá của cây nhãn, cây vải, cây xoài, cây mãng cầu rụng xuống, tay bà thoăn thoắt dùng chổi gom lại một chỗ, hoặc vun tới gốc cây để giữ ẩm cho đất. Những đám cỏ nhỏ dọn khô, chổi rễ tre cũng dễ dàng quét gọn. Ông tôi lại “làm bạn” với chiếc chổi rơm vàng óng. Ông hay dọn dẹp ban thờ mỗi dịp lễ tết, giỗ chạp. Chiếc chổi rơm giúp ông rất nhiều trong việc làm sạch lư hương hay là tấm ni lông trải ở ban thờ. Ông cũng là một “nghệ nhân thực thụ” làm chổi rơm. Đến mỗi mùa gặt, lúa tuốt xong, rơm khô dưới nắng cong cớn ông chọn những sợi cứng và vàng nhất để tết chổi. Tay ông khéo léo kết từng sợi rơm. Và thật kỳ diệu, chỉ sau mấy tiếng đồng hồ trên tay ông đã có một chiếc chổi rơm xinh xắn.

Minh họa: Trà My

Chổi chít thì quá quen thuộc với mọi người. Chổi chít làm bằng từ bông chít. Cái bông mà phải cất công lên tận rừng xa, khe suối sâu mới có thể bứt được. Thật công phu và mất nhiều công sức mới có thể làm được một chiếc chổi chít. Chổi chít dùng để quét nhà, quét sân nên cán của nó phải làm dài để khi quét không bị đau lưng. Chổi làm xong mới phơi dưới nắng cho khô, phần nữa để cho các bông bé xíu tách rụng, đỡ bay bụi khi sử dụng. Chổi chít cũng góp phần làm kinh tế không nhỏ khi mùa chít xôn xao, nở rộ. Quê tôi không phải là vùng làm chổi chuyên nghiệp nhưng dường như ai cũng chăm chú và cố gắng với sản phẩm của mình. Những lúc nông nhàn, các bà, các mẹ lại tụ tập bên hiên nhà chỉ bảo nhau cách làm chổi sao cho đẹp và chắc chắn nhất. Những đứa trẻ quê nghèo hiểu chuyện cũng học hỏi người lớn, phụ giúp công đoạn như tách bông chít, chẻ cây làm cán.

Chổi quê trong ký ức của tôi là những buổi sớm mai và cuối giờ chiều hoàng hôn chuẩn bị vụt tắt. Dường như một nhiệm vụ bất di bất dịch là tôi phải quét dọn từ nhà ra sân và ngõ. Trẻ con ở quê việc gì cũng đến tay, tự giác làm từ thời tấm bé. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, làm theo sức của mình.

Nhớ tới chổi là nhớ tới vùng trời quê yêu dấu. Chổi quê không đơn giản là một vật để quét nhà, quét sân mà đó còn là vùng trời kỷ niệm theo những người con xứ quê đi xa trưởng thành.

Nguyễn Chiến


Ý kiến bạn đọc