Multimedia Đọc Báo in

Ký ức giếng làng

08:52, 26/06/2024

Nếu có một chuyến xe ngược về quá khứ, tôi sẽ không đắn đo mua ngay một vé thơ trẻ hồn nhiên bên xóm làng đơn sơ mà rộn rã tiếng reo vui. Để được một lần oằn vai gánh từng thùng nước ngọt về nấu nồi nước chè xanh, nấu củ khoai lang, nấu bát canh lá tập tàng. Ký ức giếng làng ăm ắp nước, trong veo nước lại tràn vào tim những thương nhớ đầy vơi...

Xã tôi chạy dọc theo dòng sông nước mặn nên người dân dù đào giếng ở vị trí nào, thì đều là những mạch nước ngầm nhiễm mặn rỉ rả. Nước giếng không ăn uống được, chỉ dùng cho những sinh hoạt gia đình.

Nhưng có lẽ, cuộc sống luôn có những sự đối đãi công bằng, tạo hóa luôn ưu ái cho người dân những bất ngờ tốt đẹp. Đó là mỗi thôn trong xã đều có một cái giếng to, gọi là giếng làng, hoàn toàn là nước ngọt, nước trong veo như được chảy ra từ khe suối tận rừng xanh sâu thẳm.

Minh hoạ: Trà My

Nhưng xã tôi lại không có núi rừng, lạ thay...

Tôi không biết giếng làng có từ khi nào, chỉ biết rằng khi tôi sinh ra đã ăn uống từ nguồn nước ngọt trong thanh khiết ấy.

Ông nội kể rằng đã từ rất lâu rồi, khi người dân không có nguồn nước ngọt để dùng, ai cũng khổ. Bỗng một hôm có một ông lão lỡ đường ghé tạm xin trú chân ở ngôi nhà tranh rách nát của một người nghèo. Người nông dân nghèo khổ ấy đã nhường phần ăn của mình, nhường chiếc giường ngủ ọp ẹp duy nhất của mình cho khách. Cảm mến sự lương thiện hiếu khách, ông lão đã xem phong thủy và hướng dẫn xã tôi mỗi thôn đào một cái giếng. Lạ thay, giếng được đào lên thì mạch ngầm chảy ra rất nhiều, trong veo, ngọt thanh như nước suối. Khi mọi người quay lại để cảm tạ thì ông lão đã rời đi lặng lẽ, như một làn sương bay theo gió...

Làng tôi ai cũng có mấy cái lu đựng nước bằng sành để ở gần giếng khơi sau vườn. Cứ mỗi sáng sớm, chị em tôi lại thay nhau quảy gánh đến giếng làng, chị lớn hai thùng to, tôi út hai thùng nhỏ. Nhưng vẫn oằn vai...

Nước được gánh về đổ đầy lu, đóng nắp kín lại chỉ sử dụng cho ăn uống thôi, cha mẹ tôi quán triệt các con không được phung phí những giọt nước ngọt quý giá ấy.

Vào mùa mưa, nước tràn lên đến thành giếng, múc thật dễ dàng. Vào mùa hạn, nước giếng xuống sâu, chúng tôi phải leo theo bậc đá xuống nửa giếng mới múc được nước. Nhưng lạ là, buổi tối nước đã gần cạn thì chỉ cần qua một đêm nước lại đầy lên ăm ắp.

Dường như mẹ nước trong lòng đất quá thương yêu người dân chăng, mà nước trong giếng làng tôi chưa một lần cạn đáy dù cái nắng mùa hè và rát bỏng gió lào kéo dài đến mấy tháng trong năm.

Chúng tôi dù là những đứa trẻ dại khờ vô tư nghịch ngợm suốt ngày. Nhưng với nước, lại như thể rất trưởng thành, luôn ý thức chắt chiu từng giọt.

Thỉnh thoảng mái tóc đen nhánh của tôi được mẹ ưu tiên gội nước giếng làng, ôi chao là mượt, chỉ cần luồn năm ngón tay vào tóc là đã suôn óng ánh rồi, cảm giác mịn màng thơm tho len từng lớp tóc, bay bay...

Giếng làng là nơi hò hẹn của những thanh mai trúc mã thề non hẹn biển, là nơi hội họp những vấn đề quan trọng trong thôn.

Ngày tôi rời xa quê hương để tới thành phố đi học, cha mẹ cũng tiễn tôi đến giếng làng với bao dặn dò in sâu vào tiềm thức.

Tôi vẫn thường thắc mắc tại sao thôn quê có rất nhiều điểm lãng mạn nên thơ, mà mọi người lại chọn giếng làng làm nơi gửi gắm tâm tình? Sau này khi trưởng thành mới hiểu, có lẽ nơi nào có sức sống mãnh liệt nhất, nơi con người ta trân quý nhất, sẽ là nơi để gửi gắm niềm tin...

Giờ đây, người dân đã hiện đại hơn, nước máy được kéo đến từng nhà, nhưng giếng làng thì vẫn giữ nguyên, vẫn trong veo nước, vẫn chan chứa nghĩa tình.

Giếng làng vẫn đây, kỷ niệm vẫn đong đầy, lòng người vẫn trân quý. Chỉ là không còn cảnh rộn ràng quang gánh, thùng thùng sóng sánh đầy nước của những ngày xưa.

Mỗi lần trở về quê, điểm dừng chân đầu tiên của tôi luôn là giếng làng kỷ niệm. Vốc đầy một tay nước, uống một ngụm ngọt ngào, cho từng dòng nước mát lạnh trong veo chảy tràn lên mặt, những nhọc nhằn cứ thế tan ra...

Nguyễn Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.