“Nghề báo nở hoa” nên “vạn cánh hồng tươi sáng”
Gửi người làm báo
Tay cầm bút viết lên điều thực tế
Những phận đời và sự việc quanh ta
Ấm nỗi niềm nên nghề báo nở hoa
Dẫu đối mặt bao gian truân, khó nhọc
Nơi hải đảo xa xôi từng giờ từng phút
Gấp thông tin gửi về đến đất liền
Những vùng miền chịu lũ lụt triền miên
Cả biên giới, rẻo cao thường có mặt
Ngòi bút em đưa thông tin chân thật
Khiến kẻ tham ô có tật giật mình
Người có công xứng đáng với quang vinh
Cùng đất nước đang trên đường phát triển
Không ít lần đương đầu cùng hung hiểm
Dám dấn thân vào tệ nạn công khai
Cùng ban ngành gỡ vướng mắc, sửa sai
Để xứng đáng vai trò người làm báo
Em cũng góp phần đăng bài khuyến cáo
Mỗi cá nhân hãy biết lỗi quay đầu
Đừng vì đồng tiền phạm pháp lún sâu
Cần thức tỉnh hoàn lương xây đời mới
Nay báo chí đang trên đà vươn tới
Chúc mừng em với tất cả phóng viên
Cùng những người đồng tâm huyết hữu duyên
Lập thành tích rạng ngời trên gương mặt
Ngày báo chí sẽ vươn xa lời hát
Vạn cánh hồng tươi sáng góp mừng công.
Nghi Lâm
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn người làm báo: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ của báo chí nước ta”.
Thật vậy, mục đích có ý nghĩa sâu sắc nhất của người làm báo là mang lại những thông tin hữu ích nhất cho người đọc, phục vụ có hiệu quả công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính sứ mệnh vinh quang và trọng đại ấy, nghề báo thật vinh quang nhưng cũng đầy khó khăn, thử thách. Bài thơ “Gửi người làm báo” của tác giả Nghi Lâm đã khái quát được hình ảnh thật đáng tự hào của người làm báo và nghề báo, mang lại cho độc giả những rung cảm đẹp đẽ và sâu lắng.
Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại một kỳ họp HĐND tỉnh Đắk Lắk. Ảnh minh họa: Lan Anh |
Có bao mỹ từ được dành tặng cho người làm công tác báo chí, trong đó nhà báo với phương châm sống của nghề là “bút sắc lòng trong”, nghĩa là phải có ngòi bút sắc bén và tấm lòng sáng trong, ngay thẳng. Thấu hiểu và bắt được nhịp sống của nghề báo và người làm báo một cách tinh tế, tác giả Nghi Lâm đã mở đầu bài thơ tự nhiên, chân thành trong cảm xúc và nghệ thuật biểu đạt: “Tay cầm bút viết lên điều thực tế/ Những phận đời và sự việc quanh ta/ Ấm nỗi niềm nên nghề báo nở hoa/ Dẫu đối mặt bao gian truân, khó nhọc”.
Sau cảm xúc ghi nhận những nhiệm vụ và đóng góp chung cho xã hội của nghề báo, nhà thơ Nghi Lâm tiếp tục giúp người đọc hình dung được những công việc cụ thể của người làm báo trên hành trình tác nghiệp gian nan và nhiều thử thách: “Nơi hải đảo xa xôi từng giờ từng phút/ Gấp thông tin gửi về đến đất liền/ Những vùng miền chịu lũ lụt triền miên/ Cả biên giới, rẻo cao thường có mặt”.
Trong hai khổ thơ đầu, hình ảnh người làm báo xuất hiện như một nhân vật trữ tình phiếm chỉ, khách quan. Nhưng đến khổ thơ thứ ba, nhân vật xưng “em” xuất hiện đã thấy được ý đồ của chủ thể trữ tình tác giả. Quả vậy, người làm báo trong bài thơ là nhân vật nữ, liễu yếu đào tơ, nhưng ngòi bút lại khiến kẻ “tham ô có tật giật mình” và người có công lao được vinh danh cùng sự phồn vinh của đất nước. Nhưng cũng chính những mặt đóng góp tốt đẹp cho xã hội mà các nhà báo không ít lần đối diện với sự “hung hiểm” khi dám dấn thân vào những nơi “tệ nạn công khai”: “Không ít lần đương đầu cùng hung hiểm/ Dám dấn thân vào tệ nạn công khai/ Cùng ban ngành gỡ vướng mắc, sửa sai/ Để xứng đáng vai trò người làm báo”.
Thật vậy, báo chí có khả năng dự báo và điều chỉnh hiện thực cuộc sống, là tiếng nói vô cùng quan trọng để làm thay đổi hành vi đối với mỗi cá nhân, đồng thời góp phần định hướng tích cực cho xã hội. Vì thế, nhân vật trữ tình xưng “em” trong bài thơ trở thành hình mẫu đẹp đẽ, có sức khái quát và lan tỏa cho vẻ đẹp chung của những người làm báo ở nước ta: “Em cũng góp phần đăng bài khuyến cáo/ Mỗi cá nhân hãy biết lỗi quay đầu/ Đừng vì đồng tiền phạm pháp lún sâu/ Cần thức tỉnh hoàn lương xây đời mới”.
Một lời chúc yêu thương, một tình cảm động viên ở những dòng thơ cuối bài của tác giả Nghi Lâm như những bông hoa tươi thắm sắc hương gửi tặng và bày tỏ lòng biết ơn đến với người làm báo. Trong thời đại ngày nay, vai trò và trách nhiệm của báo chí phải vươn lên cho thật xứng tầm mới có thể tồn tại và phát triển, vì vậy mà người làm báo càng phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn hơn nữa. Điều ấy thật hạnh phúc và đáng tự hào thay cho những người làm báo trong mùa vui thắng lợi: “Ngày báo chí sẽ vươn xa lời hát/ Vạn cánh hồng tươi sáng góp mừng công”.
Có nhà thơ đã từng gọi những người làm báo là người “cầm chèo lựa sóng”, quyết đoán và dũng cảm trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Với nhà thơ Nghi Lâm, vẻ đẹp ấy còn là “vạn cánh hồng” lan tỏa sắc hương, là bài ca vang xa giữa đất trời cao rộng. Chỉ bấy nhiêu đó thôi, chúng ta đủ thấy vai trò và trách nhiệm của nghề báo đối với xã hội và đất nước. Hy vọng những bài hát rồi sẽ mãi vang xa, những sắc hồng cũng ngày càng thắm tươi rực rỡ. Và những người làm báo mãi là người chiến sĩ xung kích đi đầu trên mặt trận tư tưởng văn hóa như lời Bác Hồ dạy.
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc