Multimedia Đọc Báo in

Vị quê

08:12, 09/06/2024

Lần nào về quê tôi cũng lúi húi cùng mẹ và mấy chị em nhặt đủ các loại rau mang đi.

Mấy đứa cháu thấy lạ cứ hỏi: sao cậu mang nhiều rau thế, cứ như đặc sản ấy. Ờ, đặc sản đấy cháu ạ! Những mớ rau nuôi lớn cậu và mẹ của các cháu ngày nào.

Tôi kể cho chúng nghe về những bữa cơm đạm bạc. Những bữa cơm chỉ có rau. Rau luộc chấm nước muối. Bát nước rau dằm quả chay hoặc vắt quất, chanh tươi ngoài vườn.

Vậy mà bữa nào cũng “thủng nồi trôi rế ”. Mẹ tôi vẫn bảo: “Của không ngon nhà đông con vẫn hết”. Ngày đó đâu có lệ ăn sáng như bây giờ. Ngủ dậy nếu có cơm nguội thì vét, làm bát lửng dạ rồi ra đồng. Có buổi nhịn đói đi làm từ sớm.

Lúc mặt trời lên khỏi lũy tre làng là có khi đã cuốc, cày gần xong thửa ruộng. Tôi không nề hà việc gì, có khi ra đồng chỉ cần siêu nước vối tu ừng ực cho đã khát là được.

Minh họa: Trà My

Về đến nhà, chân còn bùn đất lấm lem vội ra vườn hái rau hái trái. Lúc ổi xanh, chuối xanh, sung chín; thậm chí làm củ khoai sống lót dạ rồi ra bể nước mưa uống đẫy một gáo dừa nước cho căng bụng rồi mới đi vo gạo, vào bếp thổi cơm. Cho đến giờ, tôi chẳng thể quên món cháy nồi gang. Tro càng nóng thì cháy càng nhiều, ăn giòn rụm lại no lâu. Có điều, bữa nào nhiều cháy thì cơm thiếu cả nhà ăn không đủ no.

Bây giờ, những khi nhà có việc cúng giỗ, thấy bọn trẻ con họ hàng không hào hứng, nhập tâm lúc ăn uống dù mâm cao cỗ đầy, tôi lại thấy có chút chạnh lòng. Chúng ăn hời hợt như lũ mèo rồi đứng dậy ra một góc chụm đầu bên mấy chiếc điện thoại cảm ứng. Chả trách được, vì cuộc sống bây giờ có thiếu thốn gì đâu. Thói quen được nếm tất cả mùi vị thức ăn cộng với áp lực học hành nhiều khiến chúng không có cảm giác thèm ăn.

Vị quê đi theo tôi suốt bao tháng năm ròng. Không chỉ là vị cơm trắng, rau luộc. Những ngày mùa đông, đi làm về qua con phố thấy thoang thoảng mùi ngô, khoai nướng là bao kỷ niệm lại ùa về. Bọn trẻ nhà tôi thỉnh thoảng về quê được ăn khoai, ngô, cá nướng mà chúng cứ xuýt xoa mãi. Hình như cái gì nướng với rơm cũng cho mùi vị đặc trưng, đặc biệt. Nó kích thích vị giác, tạo cảm hứng hồ hởi khi ăn. Tôi nhớ đến những củ khoai bén lửa ủ lâu bị cháy đen, nhớ mùa gặt bố mang về những xâu châu chấu. Tôi chạy vội vào bếp hơ trên lửa xèo xèo. Con nào con nấy cháy cánh béo ngậy thơm nức mũi. Ngay cả những quả chuối xanh, khi đem nướng cũng có vị ngon thật đặc biệt.

Những ngày mẹ tôi đi chợ, dù chơi ở đâu xa, cứ gần tối là tôi lại chạy về ngóng mẹ. Đi ra đi vào đầu ngõ. Hàng tre kẽo kẹt dày thêm nỗi nhớ mong. Rồi mẹ về, hôm thì kẹo dồi, kẹo gừng, hôm thì ngô bỏng, cả những con tò he ngộ nghĩnh nặn bằng bột nhìn ngắm mãi không muốn ăn.

Và tôi, thi thoảng vẫn tìm vị quê còn sót lại mỗi khi trở về thăm gia đình. Một quả mít chín cây, mấy trái na, trái bưởi, hoặc những trái ổi đào... rồi có khi nhìn thấy những cây rau dại còn ở một góc nào đó trong khu vườn lại thấy thích thú vô cùng.

Có lẽ với tôi, đó là của hiếm bởi không chỉ là thơm thảo trong ký ức tuổi thơ mà còn là vị nhớ, vị của tình thân sau những năm dài tôi đi xa và mang theo đầy nỗi nhớ. Cánh đồng bỏ lại, mùa quê bỏ lại, vết chân lội bùn chỉ thảng trong những giấc mơ. Ngày cánh cò cõng rơm rạ về nơi miền xa vắng lũy tre làng, vị quê luôn còn đó. Còn lẫn trong mùi khói đốt đồng. Khói bay lên, hanh hao bay lên, niềm nhớ trở về để mỗi khi nhắc lại còn xao xuyến mãi lòng mình.

     Dương Thắng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.