Multimedia Đọc Báo in

Người sống mãi trong lòng dân

14:26, 27/12/2024

Bất tử

 Thánh Gióng về trời. Thánh Giáp về quê

Vì dân - nước, Người trở thành bất tử

Thành núi thành mây thành ruộng đồng, sông, bể

Thành tượng hình chữ S trấn biển Đông.

 

Thành đền thờ trong mỗi tấm lòng dân

Thành ngọn đuốc soi đường đêm tăm tối

Thành mặt trời cho trần gian nắng mới

Thành mặt trăng vành vạnh tấm gương vàng.

 

Người ba năm không nói không cười vươn vai thành Phù Đổng

Người cuối đời phải giấu ánh sao khuê trong tấc dạ trung thành

Nhẫn và vinh đốn ngộ vinh và nhẫn

Trái tim hồng thành xá lị, kim đan.

 

Người không nghĩ mình sẽ hóa thành thánh nhân

Khi nằm xuống cả non sông thương khóc

Cả non sông thành rồng chầu hổ phục

Tôn vinh Người - vị thánh của lòng dân.

 

Bắn lên trời cao những tiếng vang rền

Tiễn Người vào bất tử

Nghe trái đất rùng mình thương nhớ

Nghiêng về Người lấp lánh những vì sao…

Nguyễn Trọng Tạo

Bài thơ “Bất tử” là một tác phẩm tiêu biểu thể hiện tấm lòng thành kính và niềm tự hào của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bài thơ khắc họa hình tượng Võ Nguyên Giáp như một vị anh hùng bất tử, không chỉ sống mãi trong lòng dân mà còn hóa thân vào thiên nhiên đất nước.

Các ca khúc về Đại tướng luôn để lại ấn tượng với người thưởng thức nghệ thuật.
Các ca khúc về Đại tướng luôn để lại ấn tượng với người thưởng thức nghệ thuật. Ảnh: Internet

Trong khổ thơ mở đầu, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã khéo léo đặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp song hành với Thánh Gióng, một biểu tượng bất diệt của lòng yêu nước và sự anh dũng. Cách so sánh này làm tôn lên hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một người anh hùng bất tử, nhưng không phải vì sự thần thánh hóa, mà vì Đại tướng đã gắn bó và hòa vào lòng dân, vào quê hương. Chữ “bất tử” ở đây không đơn thuần là cái chết vượt qua thời gian mà còn khẳng định sự trường tồn hình ảnh của bác Giáp trong lịch sử của dân tộc: Thánh Gióng về trời. Thánh Giáp về quê/ Vì dân - nước, Người trở thành bất tử/ Thành núi thành mây thành ruộng đồng, sông, bể/ Thành tượng hình chữ S trấn biển Đông.

Câu thơ “Thánh Gióng về trời. Thánh Giáp về quê” không chỉ nhấn mạnh sự trở về cội nguồn của Đại tướng mà còn hàm ý sự kết nối giữa truyền thống và hiện tại. Từ “bất tử” không chỉ miêu tả chiến công mà còn khắc sâu lòng dân: Thành đền thờ trong mỗi tấm lòng dân/ Thành ngọn đuốc soi đường đêm tăm tối/ Thành mặt trời cho trần gian nắng mới/ Thành mặt trăng vành vạnh tấm gương vàng.

Biện pháp tu từ ẩn dụ “đền thờ” và “ngọn đuốc” được sử dụng để chỉ lòng thành kính và sức mạnh tinh thần mà Đại tướng để lại. “Ngọn đuốc soi đường” gợi nhớ những ngày tháng đấu tranh gian khổ, hình ảnh này biểu thị cho nguồn sáng dẫn lối, niềm tin và hy vọng cho dân tộc Việt Nam.

Tiếp tục kết nối mạch ý tưởng ở khổ thơ đầu, Nguyễn Trọng Tạo khắc họa phẩm chất đời thường vô cùng cao quý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời qua nghệ thuật so sánh giữa Phù Đổng Thiên Vương và người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Quả vậy, chỉ có thánh nhân mới thấu hiểu và “đốn ngộ” được những gì sâu sắc nhất của cõi nhân sinh: Người ba năm không nói không cười/ vươn vai thành Phù Đổng/ Người cuối đời phải giấu ánh sao khuê/ trong tấc dạ trung thành/ Nhẫn và vinh đốn ngộ vinh và nhẫn/ Trái tim hồng thành xá lị, kim đan.

Ánh sao khuê – biểu tượng của người hiền – được giấu kín trong tấm lòng trung thành, nhờ đó đã khắc hoạ đậm nét nhân cách và phẩm chất sáng ngời nhưng đầy khiêm nhường của Đại tướng.

Khổ thơ thứ tư trong bài thơ tập trung khắc họa hình ảnh người anh hùng khi trở thành biểu tượng bất tử trong lòng dân tộc. Đây là khổ thơ mang ý nghĩa tri ân và tôn vinh sâu sắc. Người anh hùng không phải cố ý hóa thành thánh nhân, nhưng bằng chính hành động và lòng trung thành với Tổ quốc, Đại tướng đã chạm đến trái tim của cả dân tộc. Sự hy sinh và đóng góp của bác Giáp khiến “cả non sông thương khóc”, và chính non sông ấy như hòa mình thành một thực thể sống động để tôn vinh.

Bài thơ “Bất tử” của Nguyễn Trọng Tạo không chỉ là một khúc tráng ca về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nỗi niềm ấy còn là sự cộng hưởng của hàng triệu trái tim Việt Nam, trào dâng niềm tự hào và lòng kính yêu vô hạn với người anh hùng của dân tộc.

Lê Thành Văn
 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Miên man mùa về
14:18, 27/12/2024
Người lính
14:10, 24/12/2024
Chiều cuối năm…
14:10, 24/12/2024
Phiên chợ ngày đông
14:09, 24/12/2024
(Video) Đắk Lắk – Phú Yên: Chủ động chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, Đắk Lắk và Phú Yên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh. Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào chiều 18/4 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này.