Multimedia Đọc Báo in

Phiên chợ ngày đông

14:09, 24/12/2024

Mùa đông mặt trời thường đi ngủ sớm. Từ buổi chiều hôm trước, mẹ đã tất bật chuẩn bị nhổ rau, bó lại thành từng bó nhỏ rồi xếp ngay ngắn vào một góc thềm giếng.

Rau xếp xong, mẹ rắc nước, đậy tàu lá chuối phòng gió, sương lạnh lẹm vào. Hôm rau đến vụ, mẹ phải chong đèn tới tận đêm khuya làm mới xong. Vừa chập chờn giấc ngủ chưa được bao lâu thì trời đã sáng, mẹ lại tất bật gánh hàng ra chợ. Một năm có bao nhiêu phiên chợ thì mẹ đi chợ bấy nhiêu phiên. Tôi luôn nhớ về những phiên chợ ngày đông của mẹ bằng những hình ảnh đượm màu ký ức như vậy.

Vừa bó rau, mẹ vừa lầm bầm, không biết ngày mai thời tiết sẽ như thế nào, có lạnh hơn không, có mưa bất chợt như dạo chớm đông, hay là có thêm chút nắng hanh hao? Cha tôi ngửa mặt nhìn trời “dự báo thời tiết”, hôm hên thì đúng mà hôm xui thì trật lất rồi ông nhả điệu cười khà khà. Hồi ấy chưa có ti vi, Internet nên mọi người cũng chẳng biết xem thời tiết ở đâu. Trong làng họa hoằn lắm mới có nhà có chiếc đài radio chạy bằng pin thì may ra còn nghe ngóng được chút ít. Nhưng dù có mưa lạnh hay nắng ấm mẹ vẫn miệt mài không bỏ sót phiên chợ nào.

Cha cũng phụ mẹ chẻ lạt từ những ống tre non chặt phía sau nhà. Cha chẻ lạt khéo lắm, những chiếc lạt mỏng, mềm dẻo là dây buộc chắc chắn cho những bó rau của mẹ khỏi vương vãi, không bị bầm dập. Ai cũng nâng niu, chăm chút món hàng để phiên chợ của mẹ được trọn vẹn niềm vui.

Minh họa: Trà My

Góc chợ mẹ ngồi mé bên con sông quê nước xanh biêng biếc, mùa đông dòng sông như một tấm gương màu bạc, tĩnh lặng. Mẹ ngồi cùng với các bà, các cô tạo thành một hàng dài ngay ngắn, trước mặt là những món hàng tươi ngon. Hàng hóa chủ yếu là trồng được ở nhà hoặc lấy sỉ mang ra chợ bán lẻ kiếm chút lời. Nhìn ai nấy co ro trong manh áo mỏng mà nhói thương trong lòng.

Phiên chợ ngày đông dường như tĩnh lặng, tiếng nói cũng nhỏ giọt nhẹ nhàng người bán, người mua. Thi thoảng có tiếng ai đó xuýt xoa vì trời quá lạnh, miệng bốc khói phà phà nhưng vì mưu sinh nên góc chợ luôn có mặt những người nông dân chịu khó. Mẹ tôi thường được các cô hỏi thăm, mùa đông này nhà đã đủ củi đốt chưa, bọn trẻ con có đủ áo ấm mặc hay không? Và trong những lần đó, cuối phiên chợ mẹ cũng có quà về cho hai chị em tôi. Khi thì tấm áo bông cũ của anh chị cô bán rau quá tuổi không mặc vừa, khi thì chiếc mũ len màu hạt dẻ thật xinh xắn. Tuy là món đồ cũ nhưng chị em tôi rất thích và hạnh phúc khi được khoác lên người những món quà nhỏ đó.

Những phiên chợ ngày đông tôi có cảm tưởng như thời gian dài hơn, cũng bởi vì cái lạnh khắc nghiệt. Nhờ những phiên chợ ngày đông mẹ đã chắt chiu từng đồng bạc lẻ, gom góp phụ giúp tiền mấy anh chị em học hành, mua sắm quần áo, giày dép. Lớn lên, mỗi lần nhìn lại quãng đời thơ ấu trong tôi lúc nào cũng có bóng hình của mẹ trong phiên chợ ngày đông. Mẹ đã tảo tần sớm khuya, đổ mồ hôi để nuôi nấng cho tôi thành người.

Tôi xa quê gần hai mươi năm, xa những phiên chợ ngày đông lạnh giá, góc chợ quê xưa giờ cũng đã khác nhiều, những người xưa cũ có người trở về với cát bụi, có người vẫn cặm cụi công việc của mình. Mẹ tôi đã nghỉ bán từ lâu vì tuổi già sức yếu. Với tôi, lòng lúc nào cũng chộn rộn khi nghĩ về phiên chợ ngày đông, bởi ở đó có bóng hình của mẹ, có những năm tháng tuổi thơ, dẫu nhiều khổ cực nhưng đầy ngọt ngào và hạnh phúc.

Ngọc Linh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chắc địa bàn, xây dựng cơ sở vững mạnh sau khi không tổ chức Công an cấp huyện
Từ 1/3, Tổ chức bộ máy của Công an tỉnh Đắk Lắk được sắp xếp, tinh gọn thành 2 cấp (Công an cấp tỉnh và Công an cấp xã). Tiếp nhận thêm nhiều nhiệm vụ mới, cán bộ, chiến sĩ công an các xã nhanh chóng bắt tay, nỗ lực thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ để không ngắt quãng, bỏ trống địa bàn, giữ vững an ninh trật tự, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.