Multimedia Đọc Báo in

Góc nhỏ yêu thương

05:11, 23/02/2025

Trong ngôi nhà của mẹ, góc nhỏ thân thuộc đã trở thành một phần kỷ niệm mà theo thời gian không thể nào phai nhạt, ấy là căn bếp, cạnh đấy có cái chạn bát bằng gỗ đã cũ.

Gia đình tôi ở quê, cha mẹ đều là nông dân. Tôi được sinh ra và lớn lên trong vị nồng của đất cùng mùi khói bếp cay xè. Thế nên, dù nay đã xa quê, cuộc sống khá tiện nghi nhưng mùi khói, màu tro vùi trấu ở ngăn bếp hay mùi thức ăn đậm vị trong cái chạn gỗ vẫn luôn khơi gợi trong ký ức mỗi khi nhớ về.

Căn bếp của mẹ. Gọi như thế bởi mẹ là người biết nhen lên ngọn lửa ấm áp trong ngôi nhà đơn sơ mà rộn rã tiếng cười. Chỉ có mẹ mới nấu được nồi cơm dẻo thơm và nồi cá đồng kho dưa mặn mòi ngày mưa dầm, gió bấc tràn về. Và chỉ có mẹ mới níu được các con quây quần bên mâm cơm đạm bạc. Ngọn lửa trong bếp bập bùng cháy, liếm quanh nồi, chập chờn gợi thức, nâng niu những tình cảm ấm nồng.

Minh họa: Trà My

Căn bếp của mẹ chật chội, cũ kỹ. Bếp kiềng ba chân thường đun bằng rơm, củi tre dễ cháy nhưng lại mau tàn. Đó là thế giới tuổi thơ giấu trong góc nhỏ nhiều kỷ niệm. Cái ổ gà nằm nép góc bếp, mấy quả trứng hồng hồng đều đặn bắt mắt. Mấy cái nồi nhôm cũ, dính đầy nhọ đen. Mấy chùm hạt giống treo lủng lẳng. Cả mấy dụng cụ nhà nông như sàng, giần, nia, thúng cũng được gác ngăn nắp trên giàn bếp đầy bồ hóng.

Trong mảng nhớ về tuổi thơ, căn bếp nghèo chứa đựng vô vàn câu chuyện. Năm ấy mất mùa, trời hết hạn lại lũ thất thường. Củ khoai, đọt rau cứu đói. Cả nhà ngồi quanh bếp lửa nướng từng củ khoai lang, từng bắp ngô rồi xuýt xoa, khen ngon. Cha mẹ nhìn nhau rồi nhìn lũ con háu đói mà ứa nước mắt. Rồi cái đận ấy cũng qua mau. Vụ mùa bội thu sau đó. Căn bếp lại ngập tràn giọng nói, tiếng cười. Mẹ đồ xôi. Mùi gạo nếp lan tỏa. Mẹ đúc bánh xèo. Mùi mỡ hành thơm dậy khắp nhà. Nhưng không gì bằng căn bếp trong những ngày cận Tết, rộn rã, náo nức và xôn xao tiếng người.

Cạnh căn bếp, nép sát vách đất là cái chạn bát bằng gỗ. Có vật dụng này, góc bếp gọn gàng, sạch sẽ, thoáng rộng hơn. Thường trong chạn mẹ hay để dành cho chúng tôi khi thì đĩa khoai lang, đĩa sắn, khi thì trái cây vườn vừa chín rụng. Hay một chiếc bánh ngọt, vài viên kẹo đủ sắc màu… Cũng có lần mở cửa chạn, giở hết mấy vung nồi chỉ còn sót lại một miếng cháy dính đáy. Nhưng đấy là “món quà” quý nhất, đúng lúc nhất mà chúng tôi được tận hưởng. Cơm cháy chan tí nước cá mặn mặn thì còn gì bằng.

Căn bếp của mẹ. Từ đấy chúng tôi dần lớn lên. Để rồi mỗi người đều nghiệm ra rằng, nơi góc bếp đơn sơ và nghèo nàn ấy, những ngày hạnh phúc nhất đã có. Bây giờ mỗi đứa con mỗi nơi, sống trong những ngôi nhà tầng kiên cố hay những chung cư đắt tiền nhưng vẫn cứ hoài vọng về ngôi nhà nhỏ với căn bếp bám đầy khói đen cùng cái chạn bát bằng gỗ ám vị thức ăn mà nồng đượm ân tình. Thật vậy, làm sao quên được những bữa cơm chiều, từng đụn khói lam vờn quanh mái rạ rồi lửng lơ bay giữa bóng hoàng hôn dần bao phủ. Quên làm sao được mùi khói hun cay mắt vì mớ củi ướt đun vội, để mấy ngày sau mùi ấy cứ còn ám trên áo quần. Giờ thì gọi tên là mùi nhớ. Mùi nhớ in sâu trong tiềm thức. Cái mùi ấy quen lắm nhưng khó có được trong căn bếp sáng bóng không một tí bụi của chung cư, của nhà cao tầng toàn xài bếp gas, bếp từ.

Ngồi nhớ về ngày xưa, những kỷ niệm tuổi thơ không bao giờ quên là nhớ về căn bếp và chạn bát. Nhớ để rưng rưng nghĩ về một thời còn thiếu thốn nhưng cha mẹ đã dành hết tình yêu cho con cái, sẵn sàng “chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn”.

Sơn Trần


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(Infographic) Đắk Lắk phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên
Kỳ họp lần thứ Chín, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X diễn ra ngày 19/2 đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt trên 8% trở lên.