Multimedia Đọc Báo in

Nhà thơ “trước ô cửa nhà dài”

14:01, 27/03/2025

Trước ô cửa nhà dài

Ô cửa nhà dài, ngưỡng cửa của niềm vui

Vui không hết như cuộc đời không hết

Con gái con trai ủ niềm vui trong ngực

Người già kể khan dài như cuộc đời.

 

Con cháu mình lên sàn đông như lúa như khoai

Bạn bè tơ-lang mình đầy nhà như trái bầu trái bí

Cửa rộng tựa lòng người, nhà dài như tiếng hú

Chiêng trống chửa gióng hồi bụng đã mở khúc vui.

 

Trăm chiếc gùi hơ-duê không chật cửa nhà dài

Trăm ché rượu ê-ba không hết mùa lúa nước

Rượu chôn ngàn ngày ủ lửa từ trong đất

Môi em đỏ lời mời anh chưa uống đã say

 

Ô cửa nhà dài ai đã phải lòng ai

Rượu và máu chảy trong người rạo rực

Rượu và máu dồn lên đôi mắt

Dõi tìm nhau không hết nửa nhà dài

 

Ðiệu kể khan bắt đầu từ lời chào

Ði dọc lời khan bằng nụ cười nước mắt

Buồn vui giống mưa rừng giận hờn như gió lốc

Có cuộc đời nào đi hết điệu khan đâu

 

Trăng của rừng già treo vào đêm thâu

Trăng của nhà dài treo đầu thang gác

Trăng gần của chủ nhà trăng xa của khách

Hai nỗi niềm tâm sự nối lời nhau

 

Ô cửa nhà dài giấu đôi mắt bồ câu

Xa chín núi mười rừng vẫn nhớ

Rộng lắm lòng người nên nhà không khép cửa

Lên nhé mình ta đợi trước cầu thang...                            

Văn Thảnh

Bài thơ “Trước ô cửa nhà dài” của nhà thơ Văn Thảnh được in trong tuyển tập “Thơ tặng tháng Ba” nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng Buôn Ma Thuột (3/1975 - 3/1985), cách đây đã 40 năm.

Nhà thơ Văn Thảnh viết bài thơ này năm 1982, khi Đắk Lắk mới giải phóng được 7 năm. Có lẽ thời điểm đó nhà thơ đến với Đắk Lắk chưa lâu nhưng cảm xúc về văn hóa Êđê, hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán của họ và những tình cảm yêu thương, gắn bó với đồng bào đã được vun đầy trong lòng anh. Điều đó đã giúp cho Văn Thảnh có đủ nội lực để viết bài thơ “Trước ô cửa nhà dài” vừa đậm đà bản sắc Êđê vừa thể hiện được vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống tâm hồn, tình cảm của đồng bào.

Đọc bài thơ, ta thấy hình ảnh “ô cửa nhà dài” xuyên suốt tác phẩm, là hình tượng trung tâm. “Ô cửa”, nơi  ta bước vào nhà chính là “ngưỡng cửa của niềm vui” và ta sẽ được chứng kiến biết bao sinh hoạt của gia đình và cộng đồng. Ta thấy được trong căn nhà dài là tổ ấm của gia đình và cộng đồng, nơi sum vầy của con cháu và anh em bạn bè, nơi chứa chất niềm vui và hạnh phúc bất tận: “Ô cửa nhà dài, ngưỡng cửa của niềm vui / Vui không hết như cuộc đời không hết”, “Con cháu mình lên sàn đông như lúa như khoai/ Bạn bè tơ-lang mình đầy nhà như trái bầu trái bí”. Đấy cũng là nơi để trai gái hẹn hò, để người già kể khan (sử thi) thâu đêm suốt sáng: “Con gái con trai ủ niềm vui trong ngực/ Già làng kể khan dài như cuộc đời”.

Nhà dài cũng là nơi thể hiện tấm lòng rộng mở, hào hiệp của người Êđê đối với khách gần xa: “Cửa rộng tựa lòng người, nhà dài theo tiếng hú”, “Rộng lắm lòng người nên nhà không khép cửa/ Lên nhé mình ta đợi trước cầu thang”. Người Kinh có câu “Nhà rộng không bằng lòng rộng”, còn ở đây người Êđê “lòng rộng” như là sự mặc định, là bản chất của họ, vì thế mà tác giả dùng phép so sánh “cửa rộng tựa lòng người”. Ở đây tác giả cũng đã khéo léo cho người đọc hiểu biết thêm về đặc điểm của những căn nhà dài - dài như tiếng hú - bởi tập quán của người Êđê: từ căn nhà của cha mẹ, khi con cái lập gia đình thì làm nối thêm một gian để ở, cứ thế, khi có hai, ba thế hệ cùng chung sống thì căn nhà sẽ dài hun hút, “dài như tiếng hú”. Tấm lòng rộng mở của người Êđê được tác giả khắc họa sâu thêm bằng những hình ảnh rất đặc trưng: “Trăm chiếc gùi hơ-duê không chật cửa nhà dài/ Trăm ché rượu ê-ba không hết mùa lúa nước/ Rượu chôn ngàn ngày ủ lửa từ trong đất/ Môi em đỏ lời mời anh chưa uống đã say”.

Nhà dài với các sinh hoạt văn hóa, với tục uống rượu cần, cũng là nơi để tình cảm trai gái “lên men”, “bén lửa”, từ đó mà nên duyên: “Ô cửa nhà dài, ai đã phải lòng ai/ Rượu và máu chảy trong người rạo rực/ Rượu và máu dồn lên trên đôi mắt/ Dõi tìm nhau không hết nửa nhà dài”, “Ô cửa nhà dài giấu đôi mắt bồ câu/ Xa chín núi mười rừng vẫn nhớ”...

Ô cửa nhà dài cũng là nơi người Êđê ấp ủ khát vọng giao hòa, bầu bạn với thiên thiên để có một cuộc sống bình an: “Trăng của rừng già treo vào đêm thâu/ Trăng của nhà dài treo đầu thang gác/ Trăng gần của chủ nhà, trăng xa của khách/ Hai nỗi niềm tâm sự nối lời nhau”. Trăng ở đây như là đại diện cho thiên nhiên giữ vai trò cầu nối cho mối quan hệ giữa chủ và khách. Trăng/ thiên nhiên đã góp phần gắn bó con người với nhau hơn. Hình ảnh “Trăng của nhà dài treo đầu thang gác” cũng chính là vẻ đẹp của nhà dài, của buôn làng khi con người và thiên nhiên trời đất gần gũi, giao hòa.

 Bài thơ được viết theo thể thơ tự do, giàu cảm xúc. Tôi có cảm giác các câu thơ được chảy ra rất nhanh theo ngòi bút của nhà thơ. Ngôn ngữ của bài thơ bình dị, linh hoạt, tươi vui, gần gũi với lối nói của đồng bào. Bài thơ không chỉ ca ngợi vẻ đẹp trong cuộc sống cộng đồng người Êđê, mà còn gửi gắm thông điệp về sự gắn kết, mở lòng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình phát triển. Bài thơ cũng là tiếng lòng, là tình cảm sâu sắc của tác giả với con người và văn hóa Tây Nguyên. 

Đặng Bá Tiến


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Hẹn với tháng Ba
10:50, 25/03/2025
Ảo ảnh một  thời
10:50, 25/03/2025
Màu tím tháng Ba
10:50, 25/03/2025
Chợ quê
09:59, 23/03/2025
Báu vật
08:59, 23/03/2025
(Video) Kiên quyết thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm 
Đắk Lắk có diện tích rừng lớn nhất cả nước. Không chỉ gặp khó trong việc quản lý, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy, tỉnh Đắk Lắk còn đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép. ​​​​​​​