Nhớ thương kẹo kéo
Đôi lần trên phố, bắt gặp chiếc xe đạp nho nhỏ với dòng chữ "kẹo kéo”, tôi dừng xe, ngẩn ngơ đứng nhìn. Tuổi thơ của tôi, nồi kẹo kéo ấm thơm, ngọt ngào ngày xưa mẹ nấu cứ thế thức dậy rưng rưng.
Dường như mẹ đã vẽ nên tuổi thơ ăm ắp kỷ niệm cho tôi và cho cả những đứa trẻ khác. Dường như mẹ có thể làm bất cứ món gì, có thể mẹ học đâu đó, có thể tự mẹ sáng tạo nên dù thời đó nào đã có điện thoại, nào đã có mạng xã hội như bây giờ. Mẹ là “siêu nhân” trong mắt những đứa con. Và món kẹo kéo chính là món "gia truyền” khởi nguồn từ mẹ. Cả thị trấn chỉ có mẹ biết và làm kẹo kéo đầu tiên.
Món kẹo kéo chỉ nghe tên thôi đã có cảm giác ngọt ngào. Kẹo được làm từ mật mía. Sáng chủ nhật nào mẹ cũng dậy sớm đi chợ. Mẹ cẩn thận đi từng hàng bán mật, ngắm nghía, chọn lựa, nếm thử. Mật dùng làm kẹo phải là thứ mật mía óng vàng như nắng mùa thu, sánh quyện; mỗi khi dùng chiếc muôi múc lên đổ xuống mật tạo nên dòng chảy óng mượt tựa tấm thảm mật vàng ngọt hút mắt. Mẹ mua can mật lớn đủ dùng nấu kẹo cho cả tuần, đợi đến phiên chợ chủ nhật tuần sau.
![]() |
Minh họa: Trà My |
Công đoạn làm kẹo cũng lắm công phu. Mật được mẹ cho vào chiếc nồi sâu lòng, khuấy đều tay tránh bị cháy bén. Đến khi kẹo đã sánh quyện, kết đặc hơn, mẹ thử một giọt kẹo vào trong nước. Cảm nhận vừa độ của tay, nồi kẹo sẽ được chuyển tiếp sang một chiếc nồi khác đặt trên chậu nước. Công đoạn thử kẹo nghe có vẻ đơn giản, nhanh chóng, thế nhưng đây lại là công đoạn vô cùng quan trọng quyết định độ "già” vừa phải, độ mềm vừa miệng, độ ngon của mẻ kẹo. Với người nấu kẹo chuyên nghiệp, nhiều năm kinh nghiệm như mẹ thì việc này quả thật đơn giản, dễ dàng.
Sau khi lật, trở nhiều lần cho kẹo nguội cô lại, tấm kẹo lớn được chuyển sang công đoạn mới đầy thú vị. Anh em tôi ai cũng hí hửng, thích thú xin mẹ thử sức. Kẹo được đập, vắt, kéo trên một chiếc đinh đóng trên tường. Sự “nhào nặn”, kéo vào kéo ra làm cho tấm mật bắt đầu lột xác, hóa thân sang trắng dần đến trắng xốp đầy thu hút. Chúng tôi xin mẹ cho làm thử để mỗi lần làm được nhón nhón chút chút.
Tiếp theo kẹo được tháo xuống, bắt đầu hành trình cắt, chia nhỏ. Mẹ lăn nhẹ tấm kẹo vào bột mì đã chuẩn bị sẵn, vuốt kẹo thành đường dài rồi cắt khúc ngắn. Từ những giọt mật óng vàng, trải qua quá trình nấu, kéo, tẩm lớp áo bột hóa thành những chiếc kẹo nhỏ nhắn, xinh yêu. Mười viên kẹo được cho vào một chiếc túi bóng nhỏ thêm chút bột giữ kẹo khô ráo. Mẹ dùng một ngọn nến dán kín túi kẹo lại. Một gói kẹo với mười viên của ngày đó giá chỉ một trăm đồng - là niềm yêu thích, ao ước của những đứa trẻ. Những gói kẹo được chạm vào lửa, kết dính các gói vào với nhau thành xâu liền mạch, treo lủng lẳng trong chiếc quán nhỏ xinh của nhà tôi trước cổng nhà.
Cạnh nhà tôi là trường cấp một. Tụi học trò nhỏ thích thú ùa ra mỗi giờ ra chơi hay lúc tan học, í ới gọi mẹ tôi bán cho gói kẹo kéo. Trong mắt đứa trẻ nào cũng lấp lánh niềm háo hức. Tôi tự hào biết bao khi được làm cô chủ nhỏ phụ mẹ bán hàng. Dây kẹo treo lủng lẳng dần dần được bứt nhẹ từng gói trao bán cho bọn nhỏ. Thời ấy, cuộc sống chưa dư dả, đủ đầy như bây giờ, kẹo kéo của mẹ là món hàng quà ước ao, gần gũi, quen thuộc, tin cậy của bọn trẻ. Chỉ một trăm đồng đã có trong tay mười viên kẹo ngọt lịm ấu thơ. Nhiều đứa trẻ, nhất là tụi bạn tôi "ghen tị” ra mặt, khen tôi sướng có nhà làm kẹo, lúc nào cũng được thưởng thức kẹo thoải mái. Vậy nên, lần nào được mời đến nhà chơi, được mẹ tôi mời ăn kẹo thỏa thích chúng nó sướng lắm, chỉ muốn ghé nhà tôi hoài.
Sau này lớn lên, tôi tiếp tục giữ nghề của mẹ. Tôi nấu kẹo, nhập cho quán hàng, món tiền bán kẹo tiếp tục giúp tôi sắm sách vở học tập. Ngày tôi rời quê đi học xa nhà, sau này ra trường đi làm, tôi chẳng còn thời gian làm kẹo kéo nữa, song mỗi lần trở về nhà xưa, mỗi lần nỗi nhớ mẹ dâng tràn, tôi lại nấu món kẹo năm xưa. Tôi làm món kẹo kéo để các cháu biết, nhớ về món kẹo thương mến của người bà thuở nào, để lưu giữ từng mảnh ký ức thấm ngọt về mẹ.
Huệ Hương
Ý kiến bạn đọc