Sắc hoa màu nhớ
Thoắt đã hơn nửa đời người tôi rời xa quê ngoại. Xa dòng sông Cái hiền hòa như cánh cung uốn nhẹ qua làng. Xa triền đồi màu cỏ úa.
Xa cây gạo bên mốc lộ giới, mỗi độ tháng Ba là thắp lửa. Nhớ lại ngày cậu mợ tiễn gia đình tôi vào Nam. Cũng dưới tán cây này, cậu dặn mẹ đôi điều. Mẹ khóc như mưa. Từng cánh hoa gạo đỏ bầm thổn thức rơi.
Nơi tôi sống không có loài cây đơm hoa vào cuối xuân này. Thỉnh thoảng ngược về phía núi, tôi vẫn hay bắt gặp những cây gạo trầm tư bên lối mòn, cạnh bờ suối. Sắc hoa đỏ cứ khắc lẹm để điệp trùng thương nhớ quay về.
Mỗi năm tôi trở lại quê ngoại một vài lần, vào dịp giỗ chạp hay tình cờ đi công tác ngang qua. Chỉ mấy ngày ít ỏi nơi chốn quê nhưng tôi đã tựa lưng vào cổng làng rêu phủ, chạm tay lên từng ô gạch xỉn màu... để nghe và cảm nhận âm thanh của đất, của yên bình. Tôi cũng lang thang trong chiều vắng, nghe tiếng chim thánh thót xa gần, nghe tiếng suối vọng về từ rừng thẳm. Tôi lặng lẽ nhìn lên tán cây gạo. Hoa đã nhuốm đầy vòm trời rộng lớn. Nhìn hoa để nghĩ về đời, nghĩ về những ân tình miên viễn, lắng sâu, về được mất, khen chê giữa những xô bồ trong các mối quan hệ. Tôi thầm nghĩ màu thời gian sẽ làm phai mờ nhiều thứ nhưng có lẽ ký ức về quê ngoại, về những điều gần gũi, yêu thương sẽ được đắp bồi theo năm tháng.
Tôi gặp những con người, ngày tôi theo cha về quê nội, họ bằng tuổi tôi bây giờ. Họ thăm hỏi ân cần về sức khỏe của mẹ, về cuộc sống và công việc của tôi. Tôi thấy cả một miền ký ức tìm về, xôn xao trong ánh mắt. Chiếc cầu sắt hoen gỉ bởi mưa nắng bắc ngang khe suối rộng, nơi mỗi chiều bọn trẻ con trong làng hay ngồi hóng gió nay đã thay bằng chiếc cầu bê tông hiện đại, vững chắc. Mốc lộ giới vẫn còn và cây gạo đã thành cổ thụ.
![]() |
Minh họa: Trà My |
Tháng Ba về, nồng nàn hoa gạo để tôi hoài niệm, để nỗi nhớ nhung được giải tỏa. Tôi biết bất cứ ai đi xa hay phải rời xa quê hương thì đều da diết nhớ. Nhớ để trở về trong tâm tưởng, để gặp lại mình của ngày tháng xa xưa. Có lần, đến Tây Nguyên, tôi bất ngờ vì có nhiều cây gạo mọc hai bên đường, thấp thoáng bên triền dốc, ở rìa nương rẫy. Tôi rưng rưng trong niềm nhớ. Hỏi ra mới biết, hoa gạo còn có nhiều tên khác, mà ở vùng đất đỏ bazan người ta gọi là pơ lang gắn với sự tích dân gian giữa chàng trai và cô gái chung thủy, ngóng vọng người yêu trong vô vàn nhung nhớ. Người ta còn giải thích thêm màu đỏ rực và năm cánh của hoa gạo chính là tua rua ở hai đầu băng đỏ mà chàng trai buộc vào tay cô gái. Một vật tín của tình yêu đôi lứa.
Trong nhiều loài hoa, hẳn hoa gạo gần gũi và là biểu tượng cho làng quê Việt nhất bởi màu sắc, hình dáng của nó không kiêu hãnh, phô trương mà cứ âm thầm, in dấu vào tâm tư. Đời hoa gạo ngắn, chỉ tồn tại giữa trời đất bao la tầm hai, ba ngày nhưng điều mà nó để lại là sự tận hiến, cả đến lúc lìa cây vẫn còn nguyên sắc, tươi màu. Nhìn hoa nở rồi lặng lẽ rơi xuống, cảm giác vừa bình yên, vừa tiếc nuối, gợi thức những yêu thương và trân quý. Tôi từng thắc mắc ngây ngô về thời điểm đơm hoa của nó. Không đón xuân dịu dàng nhưng tràn đầy sức sống như hoa mai, cũng không chào hè rực rỡ với những chia xa, lưu luyến như hoa phượng mà lại chọn tháng Ba để bộc lộ hết sức sống tiềm tàng có trong thân xác xù xì, thô ráp, trong những cành cây khẳng khiu, khô gầy. Tôi đã tìm hiểu và nhận ra rằng, mỗi loài hoa đều được thiên nhiên giao cho một sứ mệnh mang lại vẻ đẹp đặc trưng cho thiên nhiên.
Tháng Ba lại về cùng những đợt mưa cuối xuân êm nhẹ. Trong màu nắng ấm phả miên man khắp cánh đồng, sông bãi, tôi chợt nhớ đến loài hoa gạo không kiêu sa, lộng lẫy, chỉ gần gũi, mộc mạc mà ấn tượng vô cùng, loài hoa ấy đã đi vào thơ nhạc, gắn bó sâu đậm với tuổi thơ bao người.
Sơn Trần
Ý kiến bạn đọc