Multimedia Đọc Báo in

“Căn bếp yêu thương” của phụ nữ vùng sâu

08:38, 15/08/2021

Thời gian gần đây, nhiều gia đình ở xã cùng sâu Cư Drăm (huyện Krông Bông) phải thực hiện cách ly tập trung để phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Chia sẻ khó khăn với những gia đình phải cách ly, một nhóm phụ nữ ở chợ buôn Chàm A, xã Cư Drăm đã tự nguyện đóng góp kinh phí và vận động các mạnh thường quân hỗ trợ, thành lập “căn bếp yêu thương” hằng ngày nấu cơm phục vụ những người trong khu cách ly tập trung của xã.

Chị em trong nhóm thiện nguyện chuẩn bị nấu cơm hỗ trợ những người trong khu cách ly.

“Căn bếp yêu thương” do bà Trần Thị Lịch, tiểu thương ở chợ buôn Chàm đứng ra vận động các chị em tham gia thành lập. Để tránh tiếp xúc đông người, các thành viên chia thành 2 ca sáng - chiều, thực hiện nghiêm túc quy tắc 5K.

Ban đầu chưa có kinh phí, bà Lịch và những thành viên trong nhóm góp gạo, thức ăn, tiền mặt để nấu mỗi ngày hai bữa ăn (trưa, chiều) cho hơn 20 người đang cách ly tập trung ở điểm Trường THCS Cư Drăm; dần dần bếp ăn có thêm sự góp sức của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm. Bà Lịch chia sẻ: “Một số chị em hoàn cảnh cũng khó khăn song vẫn tham gia nhóm với mong muốn giúp nhau vượt qua dịch bệnh. Chi phí mỗi suất cơm bình quân từ 22.000 – 25.000 đồng. Các suất cơm luôn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, vệ sinh, ngon, nóng hổi khi chuyển đến bà con trong khu cách ly.

Điều khiến chị em rất vui và được tiếp thêm động lực là sự quan tâm, động viên, khuyến khích của lãnh đạo địa phương”.

Thành viên trong nhóm chuẩn bị các suất ăn hỗ trợ những người trong khu cách ly ở xã Cư Drăm.

Gia đình chị Nguyễn Thị Nguyên vốn kinh doanh quán ăn. Từ khi dịch bệnh bùng phát phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì gia đình đóng cửa quán. Khi biết chị em trong nhóm có ý định mượn bếp nấu ăn hỗ trợ công dân đang thực hiện cách ly, chị Nguyên đồng ý ngay và trở thành đầu bếp của “căn bếp yêu thương”.

Chị Trần Thị Huế cũng là thành viên tích cực trong nhóm, phụ trách việc tiếp nhận, ghi chép, tổng hợp và công khai hỗ trợ của các cá nhân, tập thể trên trang mạng xã hội để mọi người theo dõi. Chị Huế cho biết: “Khi biết chị em lập nhóm nấu cơm phục vụ cho những người đang phải cách ly tập trung tại Trường THCS Cư Drăm thì rất nhiều người đã ngỏ ý ủng hộ. Hiện nay đã có hơn 100 gia đình, cá nhân ủng hộ bếp ăn gạo, dầu ăn, bột ngọt, thịt, rau, bình ga, nhiều nhu yếu phẩm và gần 25 triệu đồng tiền mặt”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.