Multimedia Đọc Báo in

Lại nhớ về “tem phiếu” ngày xưa...

09:53, 07/08/2021

Tuổi của tôi chưa biết về một thời "tem phiếu", chỉ nghe qua lời kể của người lớn. Trong ký ức khó quên của ba tôi về thời bao cấp là một dạo xếp hàng dùng "tem phiếu" để mua nhu yếu phẩm từ ký thịt, quả trứng, lạng đường đến dầu lửa, vải vóc...

 

Ba kể, thời gian khó đã qua ấy, có giai đoạn Nhà nước tạm thời bán gạo theo định lượng cho các hộ gia đình với các tiêu chuẩn khác nhau. Nhà nước cũng phát hành "tem phiếu" lương thực với các mệnh giá như 100 gam, 225 gam, 250 gam, 350 gam... Sổ mua lương thực thì người dân hay gọi là “sổ gạo”. Ba kể không biết chán những câu chuyện vui buồn của một thời gian khó.

Năm 11 tuổi, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy tờ phiếu đường, loại 350 gam. Khi đó, nó nằm lẫn trong mớ giấy tờ cũ được ba tôi cất thật kỹ bằng chiếc hộp thiếc để sâu trong ngăn tủ. Tấm phiếu đã ố vàng, rời rạc ở một số góc, nhàu nhĩ, không còn rõ chữ. Đó là những gì để cho tôi hình dung về thời bao cấp mà hầu như người lớn tuổi nào cũng nói đến, ít ra vài lần trong đời, để nhắc về giai đoạn mà hầu hết mọi giao dịch đều thực hiện theo chế độ "tem phiếu".

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, bỏ lại những ký ức một thời về "tem phiếu"

Nhưng, ngay thời điểm này, đại dịch COVID-19 bùng phát, để bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh, thành phố nơi tôi sống thực hiện phát thẻ vào chợ cho người dân. Mỗi hộ được phát 3 thẻ. Cứ 3 ngày, thành phố cho phép người dân được đi chợ một lần, ai có thẻ mới được vào chợ mua nhu yếu phẩm và quy định mỗi thẻ sử dụng 1 lần cho một người vào chợ.  Đây là lần đầu tiên thành phố thực hiện phát thẻ đi chợ, cũng là để người dân biết địa phương đã nâng thêm lên một mức cảnh báo về dịch bệnh.

Tem lương thực thời bao cấp và Thẻ vào chợ.

Chiếc thẻ đi chợ làm ba tôi nhớ lại ngày xưa. Ba nói: “Nhớ lại thời bao cấp, đất nước mình còn khó khăn mà rưng rưng nước mắt”.

Mới mấy ngày trôi qua thôi, người dân thành phố này đã nhanh chóng quen dần với việc cầm trên tay tấm thẻ đi chợ và chấp hành nghiêm các quy định như đo thân nhiệt, khai báo y tế, xếp hàng giãn cách khi đi mua nhu yếu phẩm.

Cũng mới ngày hôm qua thôi, trên các trang mạng xã hội, tụi bạn tôi “khoe” thẻ đi chợ với chút hiếu kỳ như “hiện tượng lạ” lần đầu được thấy, nhưng hôm nay thì đã khác. Thẻ đi chợ được phát, nếu thực phẩm đủ dùng thì không cần ra chợ để chung tay cùng thành phố chống dịch.

… Rồi mai đây, tôi cũng sẽ cất chiếc thẻ đi chợ vào ngăn tủ như ba tôi đã từng giữ gìn từng tấm phiếu gạo, phiếu mua lương thực, tem đường, tem sữa ngày ấy. Chiếc thẻ đi chợ hôm nay rồi sẽ trở thành ký ức để nhắc nhớ về một giai đoạn thành phố nơi tôi sống, đất nước của tôi, mỗi người đã ý thức một phần trách nhiệm cùng chung sức chống dịch. Chắc chắn, nhiều người cũng như tôi, sẽ xem đó như một “chứng nhân” để tự hào về sức mạnh của con người đã bình tĩnh ứng phó và vượt qua thử thách.

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.