Multimedia Đọc Báo in

Long đong "những thân cò" giữa đại dịch

09:26, 01/08/2021

Lao động tự do thu nhập hằng ngày vốn đã ít ỏi, nay trong làn sóng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, họ gần như không có việc làm, vì thế cuộc sống phải chắt chiu từng bữa ăn. Càng khó khăn hơn khi họ là phái yếu, lại là trụ cột trong gia đình thì nỗi lo mưu sinh thêm phần nặng trĩu.

Gần hai năm nay, dịch COVID-19 khiến cuộc sống của những người lao động tự do ở TP. Buôn Ma Thuột bị xáo trộn nặng nề, tình hình buôn bán ế ẩm, nguồn thu nhập hằng ngày ít ỏi, chi tiêu thiếu trước hụt sau. Đặc biệt khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 24-7-2021, họ không còn việc để làm, đồng nghĩa nguồn thu nuôi mấy miệng ăn trong gia đình tạm mất.

Vật lộn với cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn trong đợt dịch này, trước ngày giãn cách xã hội, bà Võ Thị Lý (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn phải rong ruổi trên từng con phố để bán vé số, chắt chiu từng đồng nuôi đứa con gái lớp 7 ăn học. Tuổi ngoài 50, do hoàn cảnh đưa đẩy khiến bà phải làm mẹ đơn thân ở tuổi xế chiều, một mình gánh vác nỗi lo cơm áo, gạo tiền.

Bà Lý tâm sự: “Trước đợt dịch thì mỗi ngày tôi còn bán được từ 80 - 100 tờ vé số, kiếm được hơn 100 nghìn đồng trang trải tiền ăn uống, sinh hoạt hằng ngày cho hai mẹ con. Mấy ngày nay, khi thành phố thực hiện giãn cách, quán xá đóng cửa, nghề bán vé số cũng không hoạt động, không có việc làm, mất nguồn thu nhập nên phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm chi tiêu, bữa cơm hằng ngày của hai mẹ con cũng chỉ dám mua cơm từ thiện dành cho người nghèo”.

Bà Lý ngồi đợi khách quen ghé mua vé số trên vỉa hè đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột). (Ảnh chụp vào thời điểm chưa thực hiện Chỉ thị 16)

Trong căn nhà nhỏ lụp xụp tại phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột), cụ bà 80 tuổi Võ Thị Tùng cũng dựa vào nghề bán vé số để nuôi người chồng già ốm đau triền miên, cùng cô con gái bị tâm thần do tai nạn giao thông suốt 28 năm nay. Tuổi cao, sức yếu, một mình gồng gánh cả nhà, nhiều lúc bà nghĩ đến chuyện quyên sinh cho nhẹ nhõm. Thế nhưng khi nghĩ đến chồng, đứa con không có khả năng lao động, bà lại tiếp tục gắng gượng, khỏe được lúc nào thì đi bán lúc đó, mỗi ngày kiếm mấy chục nghìn đồng đủ ba bữa cho ba miệng ăn. Những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội, bà Tùng đành ở nhà, bữa cơm gia đình phải hết sức dè sẻn. Bà Tùng bộc bạch: “Những ngày xảy ra dịch bệnh, việc bán vé số bị tạm dừng, may có hàng xóm tốt bụng, người cho gạo, người cho rau, lâu lâu có vài miếng thịt, nấu ăn qua ngày chứ già cả biết làm được gì nữa”.

Hình ảnh bà D. (nhân vật xin giấu tên) bán trứng nướng khá quen thuộc với nhiều người dân sống lâu năm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Ít ai biết được, người phụ nữ ấy bao năm vất vả bên xe trứng nướng vỉa hè trên đường Lê Hồng Phong. Gánh nặng đè lên đôi vai người phụ nữ này kể từ lúc đứa con trai và con dâu mất do tai nạn giao thông cách đây gần 10 năm. Từ đó, bà vừa làm bà, vừa làm mẹ của 4 đứa cháu nội, đứa nhỏ nhất lúc ấy chưa đầy một năm tuổi.

Bà xúc động kể, trước khi chưa dịch mỗi ngày cũng kiếm được đồng ra đồng vào đủ lo cho cuộc sống qua ngày của 4 đứa cháu, nhưng những ngày dịch bệnh, người dân hạn chế ra đường nên mỗi ngày không bán nổi một vỉ trứng. Thời gian thực hiện giãn cách xã hội này, những mặt hàng không thiết yếu phải tạm nghỉ, đồng nghĩa ít nhất trong nửa tháng, bà không có việc làm, nỗi lo chi tiêu hằng ngày cho mấy đứa cháu lại nặng trĩu trong suy nghĩ của bà.

Bà D. bán trứng nướng trên đường Lê Hồng Phong (TP. Buôn Ma Thuột). (Ảnh chụp vào thời điểm chưa thực hiện Chỉ thị 16)

Không chỉ bà Lý, bà Tùng bán vé số, bà D. bán trứng ven đường, mà còn rất nhiều mảnh đời, số phận ngày ngày bươn chải trong từng con hẻm, góc phố. Hơn ai hết, những người như họ mong muốn tột cùng là dịch bệnh sớm qua đi, cuộc sống sẽ trở lại bình thường để họ tiếp tục công việc hằng ngày, đỡ phần vất vả, nhọc nhằn.

Ông Đoàn Ngọc Thượng, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, trong các đợt dịch xảy ra trên địa bàn, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Hội Chữ thập đỏ và các đoàn thể đều vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp hỗ trợ người lao động tự do bị mất việc, người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, giúp họ bớt phần nào gánh nặng mưu sinh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến đời sống, tiếp thêm niềm tin vượt qua đại dịch.

Cùng với đó, thành phố đang rà soát các đối tượng đặc thù để có biện pháp hỗ trợ phù hợp theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.