Multimedia Đọc Báo in

BHYT học sinh, sinh viên: Bước đi quan trọng trong thực hiện BHYT toàn dân

08:09, 27/09/2021

Việc thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT) cho mọi người dân, trong đó có một bộ phận không nhỏ là học sinh, sinh viên (HSSV) được xem là nền tảng quan trọng trong thực hiện BHYT toàn dân.

Những năm gần đây, nhờ sự chủ động, tích cực vào cuộc của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHYT HSSV đã đạt được những kết quả nhất định, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT ở nước ta tăng dần qua các năm. 

Tại Đắk Lắk, kết thúc năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có gần 190.000 HSSV tham gia BHYT, đạt gần 97% tổng số học sinh thuộc diện tham gia. Có 7/15 đơn vị có tỷ lệ học sinh tham gia BHYT tại nhà trường đạt 100%.

Cán bộ BHXH huyện Ea H'leo tuyên truyền cho học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, thị trấn Ea Drăng về chính sách BHYT trong năm học 2020 - 2021. Ảnh: Thúy Hồng

Thực hiện chính sách BHYT, ngành BHXH Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện tốt việc bảo đảm quyền lợi BHYT cho HSSV; tăng cường cải cách thủ tục theo hướng đơn giản, thuận tiện cho HSSV. Đáng chú ý, từ đầu năm 2021 đến nay, người tham gia BHYT trong đó có HSSV được thụ hưởng nhiều chính sách mới, quyền lợi  khám chữa bệnh (KCB) BHYT được đảm bảo ngày càng tốt hơn.

Nổi bật là chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với KCB BHYT được triển khai trên quy mô toàn quốc từ ngày 1-1-2021, giúp một số trường hợp tham gia BHYT điều trị trái tuyến vẫn được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú. Cùng với đó, từ tháng 6-2021, thủ tục KCB BHYT cũng đã có sự cải tiến, mang lại lợi ích cho người tham gia BHYT nói chung, HSSV nói riêng khi có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”, thay cho thẻ BHYT bằng giấy khi đi KCB.

Thực tế cho thấy, thẻ BHYT đã ngày một minh chứng rõ nét về vai trò đảm bảo chăm sóc sức khỏe và các quyền lợi KCB chính đáng của HSSV. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong năm 2020 và 7 tháng đầu năm 2021, quỹ BHYT đã thực hiện chi trả kịp thời gần 3.700 tỷ đồng chi phí KCB BHYT cho nhóm HSSV, trong đó có nhiều HSSV mắc bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị cao.

Đơn cử như tại Đắk Lắk đã có 3 trường hợp HSSV mắc bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị cao được quỹ BHYT chi trả như: em H.T.T. (SN 2008, ở thôn 2, xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc) mắc bệnh mạch máu não, được chi trả gần 200 triệu đồng; em P.N.M.K. (SN 2008, ở đường Lý Thái Tổ, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) mắc bệnh tim hở van 2 lá bẩm sinh, được chi trả gần 204 triệu đồng ; em N.M.T. (SN 2004, ở xã Ea Đar, huyện Ea Kar) mắc bệnh nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn đa kháng, nhiễm trùng vết mổ, thay van 2 lá, được chi trả gần 720 triệu đồng.

Năm học 2021 - 2022, công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHYT HSSV tiếp tục được triển khai quyết liệt với mục tiêu phấn đấu để tất cả HSSV tham gia BHYT và được thụ hưởng các quyền lợi và lợi ích chính đáng từ chính sách BHYT.

Để đạt mục tiêu này cần có sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự ủng hộ, tin tưởng và đồng hành của các bậc phụ huynh và các em HSSV.

Trong đó tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo chỉ đạo, sự phối hợp của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc triển khai thực hiện Luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp nhằm bảo đảm chính sách an sinh xã hội của tỉnh; tiếp tục tuyên truyền Luật BHYT thông qua các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến, phường, thị trấn, trường học để mọi tầng lớp nhân dân, các bậc phụ huynh và học sinh nắm vững về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT và nghĩa vụ của mỗi người tham gia, vận động gia đình, HSSV tham gia BHYT.

Đồng thời xem xét trích ngân sách địa phương hỗ trợ HSSV ở 72 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị giảm theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ và 77 thôn đặc biệt khó khăn bị giảm theo Quyết định số 433/QĐ-UBDT ngày 18-6-2021 của Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tham gia BHYT…

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.