Chia tay: Mùa thu xưa - mùa thu nay
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
Những ngày đầu tháng Chín, đón Tết Độc lập – ngày lễ Quốc khánh 2-9 năm thứ 76 trong mùa COVID-19, tôi lại nhớ đến những vần thơ ấy của tác giả Nguyễn Đình Thi viết trong bài thơ Đất nước. Trong trạng huống đặc biệt của lịch sử, có những cuộc chia ly vì mục tiêu cao đẹp, để đất nước được bình yên.
Trong suốt chiều dài lịch sử, đã có biết bao đoàn quân lên đường ra trận; đã có biết bao chàng trai, cô gái xung phong lên những tuyến đầu, không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, mất mát. Đó là những Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm và cũng có thể là bất cứ ai trong những thanh niên của thế hệ “xếp bút nghiên lên đường ra trận”. Họ đã sống cuộc đời thật trọn vẹn, bình dị mà cao đẹp, lãng mạn mà anh hùng, có sức truyền cảm sâu xa đến mọi thời đại. Như nhà thơ Nam Hà đã viết trong bài thơ Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi!: “Đất nước bốn ngàn năm không nghỉ/ Những đạo quân song song cùng lịch sử/ Đi suốt thời gian, đi suốt không gian/ Sừng sững dưới trời, anh dũng hiên ngang”; và đó cũng là “Đất nước của những người con gái, con trai/ Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép/ Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt...”.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên, thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động (Bộ Công an) lên đường chi viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chống dịch COVID-19. Ảnh: Kim Hoàng |
Đón Tết Độc lập năm nay giữa đại dịch COVID-19 bùng phát trên khắp đất nước, nhịp sống như lặng xuống với những con đường thưa vắng bóng người, nhưng cũng nổi bật nhiều hình ảnh đẹp về tinh thần đoàn kết, sẻ chia, giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn. Trong số đó có hình ảnh đẹp, gợi niềm xúc động từ những cuộc chia tay chưa hẹn ngày về của hàng nghìn chiến sĩ áo trắng, áo xanh là các y bác sĩ, nhân viên y tế, sinh viên các trường đại học y dược và lực lượng công an, quân đội… từ khắp các tỉnh thành phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên đã hướng về miền Nam ruột thịt, kịp thời “chia lửa” với tâm dịch. Những cuộc chia tay, tiễn đưa lên đường làm nhiệm vụ - dù vội vã, cấp tập, không nước mắt, không nghẹn ngào, nhưng chứa đựng, gửi gắm nhiều tình cảm, tin yêu, hy vọng của người ở lại. Không phải ở thời chiến nhưng các cụm từ “tiền tuyến”, “hậu phương” vẫn vang lên trong thời điểm này. “Hậu phương” vững chắc - “tiền tuyến” vững vàng. Để “tiền tuyến” yên tâm nơi “vùng đỏ”, phía “hậu phương” cũng nỗ lực hết mình, làm chỗ dựa, chung vai, góp sức cùng “chống giặc” COVID-19.
Nhiều bài học quý giá về tình người, về lòng nhiệt thành, tinh thần xung kích cũng như bổn phận, trách nhiệm công dân đối với đất nước trong thời khắc nguy nan đã sáng lên trong những ngày qua. Và đi liền là những câu chuyện, hình ảnh đời thường, nhưng đầy lay động, xúc cảm. Đó là chiếc bàn thờ lập vội giữa tâm dịch để thắp nén nhang vọng tưởng đến người thân mới mất ở quê nhà. Đó là nỗi nhớ ngây thơ của con trẻ xa mẹ lâu ngày khóc đòi bế khi nhìn thấy mẹ trên ti vi. Đó là hình ảnh những người lính trong bộ quân phục trang nghiêm đứng giữa ngã tư đường không quản mưa, nắng để kiểm soát lưu thông, nhắc nhở người dân thực hiện tốt việc giãn cách xã hội. Cũng thật chan chứa tình người khi những con người ấy với mồ hôi ướt đầm lưng áo đang đỡ đần, cấp phát đồ hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn, hoặc tìm mua các đơn hàng khi đi chợ hộ người dân trong vùng cách ly, phong tỏa…
Những ngày này, cả nước đang phải gồng mình chiến đấu chống lại đại dịch COVID-19. Cuộc chiến đấu này có thể chưa kết thúc ngay mà kéo dài một thời gian nữa, nhưng trải qua khó khăn, thử thách sẽ thêm trui rèn ý chí, làm sáng lên phẩm chất tốt đẹp từ trái tim và tâm hồn người Việt Nam. Để từ đó mỗi người càng trở nên mạnh mẽ, kiên cường hơn, yêu thương nhau hơn, tin tưởng nhất định sẽ giành thắng lợi trong cuộc chiến này và sẽ xướng lên ca khúc khải hoàn trong ngày vui gặp lại khi đã đẩy lùi được dịch bệnh.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc