Multimedia Đọc Báo in

Khi ta còn lựa chọn...

08:20, 13/09/2021

Không lời bình, không kỹ xảo, không kịch bản, chỉ dùng chính chất liệu hình ảnh và âm thanh hiện thực để kể chuyện, “Ranh giới” – bộ phim tài liệu của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư vừa phát trên VTV có thể gọi là một cú “zoom” cận nét lột tả cuộc chạy đua giành sự sống của các y bác sĩ cho những bệnh nhân mắc COVID-19 (F0). Một “cuộc chiến” khó hình dung rõ nét nếu không được tận mắt chứng kiến.

Không phải ngẫu nhiên mà những người làm phim lại chọn bối cảnh là Khu K1 – Bệnh viện Hùng Vương (TP. Hồ Chí Minh) - nơi điều trị cho các F0 là sản phụ. Đối với một F0 thông thường khi phổi bị tổn thương việc hô hấp đã rất khó khăn, huống hồ F0 là một sản phụ. Họ phải chiến đấu nhiều hơn để giành giật hơi thở cho mình và cho cả đứa con trong bụng. Công việc của các y bác sĩ nơi đây vì thế mà căng thẳng gấp bội khi họ phải chạy đua với hai mạng sống cùng một lúc.

Xuyên suốt bộ phim là tiếng nói “Hít thở vào”… lặp đi lặp lại khiến người xem không khỏi ám ảnh. Các y bác sĩ trong những bộ đồ bảo hộ kín mít lúc nào cũng nhắc nhở, thậm chí là năn nỉ, van nài khẩn thiết các sản phụ phải cố gắng thở. Những đôi chân lúc nào cũng tất bật, chạy như con thoi nhưng chỉ có một giấc ngủ vội. Những đôi tay gấp gáp, vội vã bấm các cuộc gọi cấp cứu báo động đỏ như tranh thủ từng phút giây giành sự sống cho bệnh nhân. Vì không có máy họ thay nhau bóp bóng nguyên đêm để giữ từng hơi thở yếu ớt, đút từng miếng ăn cho sản phụ…

Một giấc ngủ vội của các y bác sĩ sau những giờ làm việc căng thẳng tại Khu K1 - Bệnh viện Hùng Vương. Ảnh chụp qua màn hình của phim tài liệu “Ranh giới”.

50 phút của bộ phim tưởng dài mà hóa ra thật ngắn ngủi, ví như lát cắt thể hiện một góc nhỏ “mặt trận” chiến đấu chống COVID-19 của các “chiến sĩ áo trắng". Để thấy, đằng sau những con số thống kê bệnh nhân được chữa khỏi mỗi ngày là nỗ lực không ngừng nghỉ của các y bác sĩ dưới áp lực làm việc căng thẳng, quá tải vì thiếu thốn vật chất, nhân lực.

Gai góc hơn, “Ranh giới” còn trực diện nỗi đau của cuộc chiến chống COVID-19. Đó là cuộc gọi của y bác sĩ với chồng sản phụ rằng họ chỉ còn một lựa chọn là cứu người mẹ, là cuộc gọi ngắn ngủi của sản phụ F0 và chồng bên lằn ranh sinh tử, và cả nỗi đau quằn quại không biết bấu víu vào đâu của người cha mất con… “Ranh giới” chính là cho ta thấy trong cuộc chiến không tiếng súng ấy là lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết, là sự giành giật "hơi thở" chỉ cách nhau trong gang tấc…

May thay, sau những nốt trầm và dấu lặng khiến lòng ta trĩu nặng, “Ranh giới” vẫn thấp thoáng những tia nắng ấm như gieo hy vọng vào những điều tốt đẹp trong tương lai. Đó là nụ cười lạc quan của sản phụ với mong muốn “mau hết bệnh để được về nhà với chồng con”, là hình ảnh những em bé đáng yêu chào đời ngay giữa “chiến trường” khốc liệt tựa mầm sống vẫn có thể nảy nở giữa mất mát. Qua đau thương mất mát, càng trân trọng sự bình yên quý giá, như lời nhà văn Nguyễn Khải: "Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy".

Vì những góc máy chân thực, “Ranh giới” khi trình chiếu cũng đón nhận nhiều ý kiến khen chê. Nhưng ở đây xin chỉ nhìn nhận ở góc độ cảm xúc khi đặt bộ phim vào bối cảnh của dịch bệnh hiện tại. Tại Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh vẫn là “điểm nóng” nhất với hàng nghìn ca bệnh mỗi ngày. Trên thế giới, đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu dừng lại mà số ca nhiễm và tử vong vẫn tiếp tục tăng. Cuộc chiến này còn rất cam go và kéo dài. “Ranh giới" lột tả sự tàn khốc của dịch bệnh, ghi đậm sự hy sinh lớn lao của đội ngũ thầy thuốc, qua đó để mỗi người nâng cao hơn ý thức bảo vệ mình và cộng đồng, mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn để cùng nhau vượt qua dịch bệnh.

“Ranh giới" là hiện thực, còn lựa chọn là của chúng ta.

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.