Multimedia Đọc Báo in

Phát triển bảo hiểm y tế học sinh – sinh viên: Thách thức trong năm học mới

08:24, 10/09/2021

Năm học 2021 - 2022 đã bắt đầu, tuy nhiên tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nên hiện nay học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đến trường mà chủ yếu là học trực tuyến.

Cùng với đó, nhiều gia đình đang lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí không có nguồn thu nhập nên việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) cho con em mình trong năm học mới cũng gặp khó, nhất là với gia đình đông con, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số.

Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Văn Vinh (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột), vợ mất sớm, bản thân anh không có nghề nghiệp ổn định. Trước đây, anh thường theo các chủ thầu xây dựng đi phụ hồ để kiếm tiền nuôi hai con đi học và trang trải chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, hơn hai tháng nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên anh không có việc làm, phải nghỉ ở nhà khiến cuộc sống của cả gia đình trở nên túng thiếu. Bây giờ, năm học mới đã bắt đầu, anh càng thêm lo lắng vì không biết lấy tiền đâu để đóng học, tham gia BHYT cho hai con đang học lớp 4 và lớp 7.

Gia đình chị Hứa Thị Lộc (xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ) thuộc diện khó khăn, những năm trước vẫn phải vay mượn họ hàng để cho các con tham gia BHYT. Năm nay, do dịch bệnh COVID-19 nên cuộc sống gia đình chị và cũng như bà con họ hàng thêm khó khăn, giờ chị cũng chưa biết xoay xở làm sao để có tiền trang trải chi phí học tập, mua sắm sách vở và tham gia BHYT cho hai con khi vào năm học mới .

Nhân viên y tế một trường học trên địa bàn huyện Ea H'leo kiểm tra sức khỏe cho học sinh.

Theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh, năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có 192.747/199.418 học sinh, sinh viên tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 96,65%. Như vậy, vẫn còn 6.671 em (chiếm 3,35%) chưa tham gia. Năm học này, hầu hết các địa phương, gia đình đều chịu tác động của đại dịch, giảm thu nhập sẽ kéo theo khó khăn trong việc phát triển BHYT nói chung, BHYT học sinh, sinh viên nói riêng.

Trước tình hình đó, để đạt mục tiêu tất cả học sinh, sinh viên tham gia BHYT trong năm học 2021 - 2022, BHXH Việt Nam đã có văn bản yêu cầu BHXH các địa phương tham mưu chủ tịch UBND cấp tỉnh và huyện chỉ đạo triển khai thực hiện công tác này trong năm học mới. Trong đó, các đơn vị quan tâm huy động mọi nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho học sinh, sinh viên; nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số.

Thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh đã kiến nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xem xét hỗ trợ đóng BHYT từ nguồn ngân sách địa phương cho các nhóm đối tượng, địa phương theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Quyết định số 433/QĐ-UBDT, ngày 18-6-2021 của Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025; trong đó có đối tượng là học sinh, sinh viên nhằm chia sẻ khó khăn với các gia đình trước tác động của đại dịch COVID-19.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa huyện Ea H'leo khám và điều trị bệnh cho học sinh trên địa bàn.

Theo quy định, quỹ BHYT không chỉ chi trả cho khám chữa bệnh thông thường mà còn chi cho xét nghiệm, chữa trị người mắc COVID-19 (ngoài những nội dung ngân sách nhà nước chi trả hiện hành) và công tác phòng, chống dịch bệnh tại trường học. Năm học 2021 - 2022 được dự báo là một năm học đặc biệt khó khăn đối với cả nước nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng do dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp và cùng với đó là tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh trong học đường. Do đó, việc có trong tay tấm thẻ BHYT chính là “tấm chắn” quan trọng, giúp các gia đình và các em học sinh, sinh viên được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trong suốt năm học.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.