Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột tiếp tục thực hiện phát phiếu đi chợ cho người dân

19:33, 07/09/2021

Ngày 7-9, UBND TP. Buôn Ma Thuột có Công văn số 4016/UBND-VP về một số hoạt động trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 trên địa bàn thành phố.

Công trình xây dựng được phép hoạt động trở lại

Công văn nêu rõ, từ 17 giờ ngày 7-9, cho phép các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố được phép hoạt động trở lại. Đối với người lao động có nơi ăn, nghỉ tại TP. Buôn Ma Thuột thực hiện phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”, quản lý chặt chẽ các hoạt động ra, vào công trình hằng ngày.

Các chủ đầu tư, các nhà thầu, cá nhân có công trình (bao gồm doanh nghiệp và cá nhân) chịu trách nhiệm đăng kí danh sách công nhân với UBND các phường, xã nơi có công trình để được cấp giấy đi đường.

Các cửa hàng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột tạm dừng hoạt động trong thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.
Các cửa hàng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột tạm dừng hoạt động trong thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.

Đối với người lao động không có nơi ăn, nghỉ tại TP. Buôn Ma Thuột, chủ đầu tư, các nhà thầu thực hiện quản lí công nhân, người lao động theo phương án “3 tại chỗ”. Quá trình hoạt động, người lao động tại các công trình phải tuân thủ nguyên tắc 5K, đo thân nhiệt vào đầu và cuối mỗi ca.

UBND các phường, xã (nơi có công trình xây dựng) chủ động tổ chức kiểm tra hoạt động của các công trình, trường hợp công trình không đảm bảo theo yêu cầu về quy định phòng, chống dịch thì buộc dừng toàn bộ hoạt động tại công trình và đề xuất xử lí vi phạm theo quy định.

Các hãng taxi hoạt động không quá 50% tổng số phương tiện

UBND thành phố cho phép các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm được hoạt động, yêu cầu các cơ sở nêu trên bố trí người làm việc không quá 50% tổng số lao động.

Việc mua và bán tại các cơ sở nêu trên phải đảm bảo thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K và các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Giao UBND các phường, xã tổ chức kiểm tra việc thực hiện của các cơ sở này.

Taxi tại khu vực đậu xe ở Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột.
Taxi tại khu vực đậu xe ở Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột.

Việc cấp phép đi lại cho nhân viên làm việc tại các cửa hàng này do UBND xã, phường thực hiện. Đối với nhân viên giao hàng của các cơ sở này ngoài giấy xác nhận đi lại, phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong thời hạn 72 giờ. Người đi mua hàng tạp hóa, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi...phải có giấy đi lại do UBND xã, phường cấp.

Cho phép các hãng taxi trên địa bàn thành phố được phép hoạt động không quá 50% tổng số phương tiện của đơn vị. Các phương tiện taxi hoạt động phải đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch theo mục 3 của Công văn số 3963/UBND-VP, ngày 1-9-2021 của UBND thành phố.

Xã Cư Êbur tiếp tục thực hiện “ai ở đâu ở đó”

UBND thành phố giao UBND các phường, xã tiếp tục thực hiện việc phát phiếu đi chợ cho người dân với tần suất 3 ngày một lần đến khi có thông báo mới.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức có nhà tại các huyện, thị xã làm việc tại TP. Buôn Ma Thuột và ngược lại, nếu nhà ở trong “vùng xanh – an toàn” thì được đi và về theo lịch làm việc của cơ quan, đơn vị.

Nếu ở trong “vùng cam – nguy cơ cao” và “vùng vàng – nguy cơ” thì phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ kèm theo lịch làm việc của cơ quan, đơn vị thì mới được đi đến thành phố làm việc.

Nếu nhà ở trong “vùng đỏ - nguy cơ rất cao” phải thực hiện theo phương án “3 tại chỗ”, không được đi về. Việc xác định vùng xanh, vùng cam, vùng vàng, vùng đỏ căn cứ theo thông báo cập nhật hàng ngày của Sở Y tế.

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân xã Cư Êbur.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân xã Cư Êbur.

Đối với xã Cư Êbur, hiện nay tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến rất phức tạp, vì vậy UBND thành phố yêu cầu UBND xã tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo phương châm lấy xã là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng chống dịch; yêu cầu người dân không ra khỏi nhà “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà và đảm bảo các yêu cầu về y tế, lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu và trật tự an toàn xã hội cho nhân dân.

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.