Multimedia Đọc Báo in

“Cầu nối” giúp phụ nữ vươn lên

07:42, 21/10/2021

Phong trào phụ nữ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của những cán bộ phụ nữ nhiệt huyết, năng động ở cơ sở.

Chi hội phó năng động

Hơn 7 năm làm công tác phụ nữ với vai trò Chi hội phó Chi hội Phụ nữ buôn Alê A (phường Ea Tam), bà Nguyễn Thị Thanh Hương luôn tìm tòi, đổi mới phương thức hoạt động nhằm đoàn kết, tập hợp phụ nữ trong buôn tích cực tham gia công tác hội.

Buôn Alê A có 365 hộ, trong đó 49% là đồng bào Êđê. Để làm tốt công tác phụ nữ, bà Hương chủ động học tiếng Êđê; tuyên truyền chị em người Êđê giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc mình như lễ cúng bến nước, nấu những món ăn truyền thống. “Vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, tôi huy động chị em trong buôn đi chợ, nấu những món ăn truyền thống của đồng bào Êđê để mọi người quây quần tại nhà cộng đồng buôn. Bên cạnh đó, tôi thành lập 1 mô hình nấu rượu cần với 15 gia đình tham gia, mô hình dệt thổ cẩm với 13 hộ làm nghề dệt thổ cẩm…”, bà Hương cho hay.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương (phường Ea Tam) tham gia nấu cơm phục vụ công tác chống dịch COVID-19.

Trên cương vị là Chi hội phó, bà Hương thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng hội viên, đặc biệt là những chị em có hoàn cảnh khó khăn. Bà Hương tham gia làm Tổ trưởng Tổ vay vốn và tiết kiệm tại buôn của các Ngân hàng Chính sách xã hội, Seabank giúp 155 hội viên nghèo vay vốn sản xuất với tổng dư nợ 6,6 tỷ đồng. Đối với các chị em không có việc làm, bà thống kê lại rồi thành lập nhóm giúp việc gia đình với 45 chị, trong đó có 10 chị ở buôn Alê B và Mduk tham gia, với mức lương ổn định từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Nhờ vậy, trong buôn hiện chỉ còn 4 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo.

Ngoài hỗ trợ phát triển kinh tế, bà Hương còn tích cực đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại địa phương, vận động phụ nữ tích cực tham gia đội văn nghệ, bóng chuyền để giúp chị em có sức khỏe tốt và gắn kết hội viên. Nhờ vậy, những năm qua, tại các hội thi văn nghệ, hội thao do phường tổ chức, Chi hội Phụ nữ buôn Alê A đều đạt giải cao, đặc biệt là thi nấu ăn, dệt thổ cẩm, cồng chiêng… Mới đây, tại hẻm 26, đường Tuệ Tĩnh phải thực hiện phong tỏa trong 21 ngày do có nhiều ca COVID-19 tại cộng đồng, bà Hương cùng Ban tự quản buôn thành lập “Bếp nghĩa tình”, nấu 650 suất cơm cho lực lượng chốt trực, góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Hết lòng vì hội viên phụ nữ nghèo

Tự chủ về kinh tế được coi là “chìa khóa” để phụ nữ tự tin hơn. Thế nên, chị Nguyễn Thị Thùy Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Tu chú trọng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em, xây dựng kế hoạch hỗ trợ sát với từng đối tượng, đặc biệt là phụ nữ nghèo, hội viên dân tộc thiểu số nhằm giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Chị Dung cho hay, Hội LHPN xã Ea Tu có 3.352 hội viên, sinh hoạt tại 12 chi hội và 68 tổ hội, trong đó có 40% hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Các hội viên chủ yếu làm nghề nông, kinh tế còn rất nhiều khó khăn nên để hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, Hội LHPN xã đã tổ chức những mô hình, tổ, nhóm tại các thôn, buôn; trong đó có 9 mô hình tại các chi hội buôn thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng kinh tế gia đình. Có nhiều mô hình, tổ hợp tác được thành lập mang lại hiệu quả thiết thực, như mô hình “Mỗi gia đình người dân tộc thiểu số có vườn rau an toàn và cây ăn quả”, với 30 hội viên tham gia tại buôn Ea Nao B; tổ hợp tác “Chăn nuôi gà thả vườn” tại buôn Jù và mô hình “Hỗ trợ trang bị máy may công nghiệp may gia công”; “Đóng góp mua đồ dùng, vật dụng phục vụ đám, tiệc của đồng bào dân tộc thiểu số tại các buôn”…

Chị Nguyễn Thị Thùy Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Tu xây dựng nhiều mô hình giúp hội viên phụ nữ tại địa phương vươn lên

Để chăm lo đời sống cho hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số, chị Dung đã phối hợp tổ chức 5 lớp dạy nghề cho 235 hội viên, 456 lớp tập huấn về kiến thức chăn nuôi, trồng trọt cho lao động nữ dân tộc thiểu số. Đồng thời, chị Dung hỗ trợ 126 hội viên vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Seabank với số vốn 3,4 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, Hội LHPN xã Ea Tu đã giúp đỡ được 62 gia đình phụ nữ nghèo và cận nghèo tiếp cận các chương trình, nguồn vốn ưu đãi, hướng dẫn cách thức làm ăn. Nhờ vậy, hiện nay đã có 22 hộ thoát nghèo, góp phần đẩy mạnh công tác giảm nghèo tại địa phương.

Nhờ những cán bộ hội cơ sở năng động, nhiệt huyết như các chị Nguyễn Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Thùy Dung... mà hoạt động của Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.