Multimedia Đọc Báo in

Để người lao động sớm nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

08:35, 31/10/2021

Ngay sau khi Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Niềm vui được nhận hỗ trợ trong lúc khó khăn

Nhận được khoản tiền hỗ trợ 2,1 triệu đồng từ cơ quan BHXH tỉnh vào tài khoản cá nhân sau khi nộp hồ sơ đề nghị chưa đầy 5 ngày, chị Đặng Thị Thắm (tổ dân phố 2, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) vui mừng cho biết, số tiền này rất có ý nghĩa với gia đình chị, nhất là trong thời điểm còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Chị Thắm làm bảo mẫu tại Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột). Trong những tháng qua, ảnh hưởng dịch khiến chị Thắm không có việc làm, không có lương, cuộc sống không mấy dư giả của gia đình thêm phần khó khăn. Khi nghe thông tin về chính sách hỗ trợ cho những người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng dịch COVID-19, chị Thắm đã cùng 15 chị em đồng nghiệp làm các thủ tục để được hỗ trợ.

Chị Lê Thị Mỹ Trang, Trưởng nhóm bán hàng của Cửa hàng xe máy Honda Matexim (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) vừa nhận được tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) qua tài khoản ngân hàng. Thời gian qua, khi dịch COVID-19 bùng phát, nhất là khi thành phố thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cửa hàng phải đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc để phòng chống dịch, cuộc sống gia đình chị vì thế cũng gặp nhiều khó khăn.

Ngay sau khi biết bản thân thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 116 của Chính phủ, chị Trang đã làm thủ tục gửi cơ quan BHXH tỉnh. Chỉ sau 3 ngày nộp hồ sơ, chị Trang và 12 nhân viên khác của cửa hàng đã nhận được tiền từ gói hỗ trợ này. Đây là nguồn động viên rất lớn giúp người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Đồng thời, Nghị quyết 116 cũng hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Chị Đặng Thị Thắm được nhân viên BHXH tỉnh hướng dẫn làm thủ tục nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Niềm vui của người lao động  cho thấy Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện rõ sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước với người lao động trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh. Gói hỗ trợ an sinh kịp thời đã giúp người lao động có thêm nguồn chi phí cho sinh hoạt, đời sống và củng cố thêm niềm tin vào hệ thống an sinh của đất nước.

Tăng tốc để gói hỗ trợ sớm tới tay người lao động

 

BHXH tỉnh xác định đẩy mạnh, ưu tiên chi trả gói hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng vừa đảm bảo kịp thời, vừa hạn chế tập trung đông người, tiếp xúc trực tiếp để phòng, chống dịch bệnh. Tính đến hết ngày 27-10,  BHXH tỉnh đã gửi thông báo và danh sách theo mẫu đến 2.886 đơn vị với 48.950 lao động và đã có 36.012 người lao động được hỗ trợ với tổng số tiền gần 89 tỷ đồng.

Để kịp thời triển khai gói hỗ trợ tới người lao động sớm nhất có thể, ngay sau khi Nghị quyết 116 và Quyết định 28 được ban hành, BHXH tỉnh Đắk Lắk đã thành lập tổ công tác đặc biệt chỉ đạo các đơn vị, cơ quan BHXH các huyện, thị xã, thành phố rà soát cơ sở dữ liệu, xác định chính xác đối tượng thụ hưởng; đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các trang mạng xã hội Zalo, Facebook để người lao động và người sử dụng lao động nắm bắt, hiểu về chính sách hỗ trợ, từ đó đồng thuận, nâng cao trách nhiệm phối hợp thực hiện. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, báo cáo kết quả việc tổ chức triển khai thực hiện giải quyết, chi trả kịp thời chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động…

Giám đốc BHXH Nguyễn Khắc Tuấn cho hay, BHXH tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc huy động nhân lực, tập trung cao độ làm việc cả ngày nghỉ phối hợp rà soát thông tin với trách nhiệm cao. Riêng bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính được tăng cường lực lượng vừa tiếp nhận, hướng dẫn người lao động cài đặt ứng dụng VssID để đối chiếu quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN của bản thân, vừa nhập hồ sơ vào phần mềm tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến, giúp người lao động không mất thời gian, công sức giao dịch trực tiếp với cơ quan BHXH.

Hiện toàn tỉnh có 2.886 đơn vị sử dụng lao động được giảm mức đóng BHTN từ 1% xuống 0% vào Quỹ BHTN trong 12 tháng từ ngày 1-10-2021 đến ngày 30-9-2022 với số tiền thụ hưởng trên 29,8 tỷ đồng; khoảng 51.000 người lao động được nhận hỗ trợ từ 1,8 - 3,3 triệu đồng/người với tổng số tiền dự kiến chi khoảng 132 tỷ đồng.

Ngoài ra, BHXH tỉnh cũng lên phương án chi hỗ trợ đối với khoảng 25.000 người lao động dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1-10-2020 đến hết ngày 30-9-2021, có thời gian đóng BHTN bảo lưu theo quy định ở các tỉnh phía Nam nhưng là người tại tỉnh Đắk Lắk.

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.