Đô thị thích ứng tình hình mới: Cần sự hợp tác của người dân
Theo Sở Y tế Đắk Lắk, tính đến ngày 19-10-2021, địa phương đã tiêm vắc xin đạt khoảng 23,18% dân số toàn tỉnh, trong đó tập trung ở các “điểm nóng”, các đô thị chính và các nhóm đối tượng cần ưu tiên.
Như vậy, để đạt mục tiêu “miễn dịch cộng đồng” theo lý thuyết dịch tễ, Đắk Lắk còn phải vận động rất nhiều hướng triển khai tiêm vắc xin, và nhất là phải có được tinh thần hợp tác, chung sức từ người dân sở tại.
Nhìn vào lược đồ ghi nhận hoạt động chống dịch của địa phương, đặc biệt ở cấp cơ sở, phải khẳng định cả hệ thống chính trị Đắk Lắk đang nhập cuộc, căng mình chống dịch. Địa phương tỏ ra rất bình tĩnh trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhất là ở những “ổ dịch” khởi phát giữa cộng đồng, như ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân buôn Tơng Jú, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Kim Hoàng |
Hướng triển khai của địa phương là bám sát chủ trương “cách ly điểm, phong tỏa hẹp, xét nghiệm truy vết từng đối tượng”; không vì con số ca nhiễm tăng mà dao động, không vì kiểm soát được phạm vi lây lan mà chủ quan.
Vừa giám sát cộng đồng, vừa nỗ lực phủ vắc xin theo từng nhóm đối tượng, ưu tiên các nhóm đối tượng bị nguy cơ, đối tượng tham gia “mục tiêu kép” là hướng đi được đưa ra trong mục tiêu quyết liệt lập tuyến phòng thủ an toàn của Đắk Lắk.
Báo cáo của Sở Y tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện tại đang có nhiều chùm ca bệnh vẫn chưa rõ nguồn lây trong cộng đồng, đây thực sự là một áp lực lớn cho công tác phòng dịch. Trong khi đó, độ phủ vắc xin vẫn còn thấp; đặc biệt, các nhóm đối tượng tham gia sản xuất, kinh doanh chưa được tiêm vắc xin vẫn còn nhiều.
Bởi thực tế đó, điều lo lắng với các thành viên chủ chốt chống dịch là tinh thần hợp tác, hiểu thấu nguy cơ để cùng chung sức đẩy lùi dịch bệnh trong cộng đồng người dân đến nay vẫn còn hạn chế. Điều này được nhắc đến ở nhiều văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương, với định hướng phải tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia hơn nữa việc tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng xung quanh.
Đơn cử với diễn biến mới nhất tại chợ đầu mối Tân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột), trong khi các lực lượng chức năng phát hiện nhiều ca lây nhiễm mới, nhiều người dân vẫn tỏ ra thờ ơ, chưa chú trọng tuân thủ các yêu cầu 5K. Hơn 200 tiểu thương chợ cá tại đây đã được xét nghiệm nhanh kháng nguyên, nhưng đây chỉ là điểm khởi đầu vấn đề, vì nhiều người dân vẫn chưa thực sự chấp hành các quy định dịch tễ trong việc sinh hoạt, đi lại, tiếp xúc.
Đáng lo nhất là nhiều người dân, sau khi xét nghiệm có kết quả âm tính, lại cho rằng bản thân an toàn, tiếp tục tổ chức các hoạt động tụ tập, tiếp xúc gần, không khẩu trang… rất dễ dẫn đến nguy cơ lây lan tiếp trong cộng đồng. Trong khi đó, định hướng tình hình mới lại là hạn chế rào chắn cộng đồng, chủ yếu dựa vào chính ý thức chấp hành tự giác của người dân, thực sự là một áp lực không đơn giản cho hoạt động phòng, chống dịch.
Xe tiêm chủng lưu động vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân buôn Tơng Jú, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Kim Hoàng |
Mở rộng ra toàn địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, có thể thấy không ít nhóm cư dân, cho đến nay vẫn chưa quán triệt được trách nhiệm chung sức vào hoạt động chung. Nhất là các hoạt động dân sinh, sinh hoạt vẫn có biểu hiện tụ tập thiếu kiểm soát, tiếp xúc không có ngăn ngừa.
Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh là phải làm sao đẩy mạnh được hướng động viên, cổ vũ người dân tích cực tham gia, không có thái độ chủ quan, xem việc chống dịch là của riêng các lực lượng chức năng, các đội ngũ tuyến đầu. Bài học đã từng xảy ra ở TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội là người dân đi lại thiếu kiểm soát, khi có ca bệnh phát hiện lại cuốn hút nhiều người dân tò mò theo dõi, hoặc ngược lại, là né tránh khai báo, tìm cách giấu giếm hành tung của mình vì sợ bị cách ly…
Tỉnh Đắk Lắk vẫn đang nỗ lực tăng độ phủ vắc xin ngừa COVID-19 trong toàn dân, bởi đây sẽ là nguồn tiếp liệu cần thiết cho nỗ lực xây dựng “rào chắn” an toàn cho người dân địa phương, nhất là cư dân ở các đô thị. Buôn Ma Thuột dĩ nhiên nằm trong kế hoạch tăng cường này, hứa hẹn từ đây đến cuối năm 2021, đảm bảo có đủ lượng vắc xin phủ kín địa bàn, là nền tảng để đô thị thật sự quay lại bình thường mới.
Song, bởi những tín hiệu nỗ lực đó, công tác vận động, tuyên truyền để mỗi người dân hiểu thấu và chung tay vào cuộc chiến chung, lại càng phải được nâng cao hơn một mức mới!
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc