Multimedia Đọc Báo in

Đưa voi Khăm Phanh vào trung tâm bảo tồn

08:55, 19/10/2021

Vì sự nghiệp bảo tồn voi nhà, gia đình ông Y Gưh Trey (thường gọi là Ma Thanh, người M’nông, xã Ea R'bin, huyện Lắk) quyết định để voi Khăm Phanh về với Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk (gọi tắt là Trung tâm) thông qua chính sách cứu hộ voi nhà.

Sau khi tiễn voi Khăm Phanh về Trung tâm ở huyện huyện Buôn Đôn,  Ma Thanh cảm thấy trống vắng lạ thường. “Tôi còn để hai đứa cháu ở đấy, chúng có nhiệm vụ hướng dẫn, thông tin tính cách, thói quen, sở thích… của Khăm Phanh cho các nài voi (người chăm sóc voi) mới. Gắn bó với voi gần cả cuộc đời, giờ vắng bóng nó nên cảm thấy trống trải lắm. Nhưng tôi vẫn vui với quyết định để Khăm Phanh về Trung tâm, khi nào rảnh, cả nhà tôi đón xe qua thăm”, Ma Thanh chia sẻ.

Gia đình Ma Thanh tổ chức lễ cúng sức khỏe cho voi Khăm Phanh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khăm Phanh là voi cái, 45 tuổi, thuộc sở hữu của 7 anh chị em trong gia đình Ma Thanh. Từ khi sinh ra đến nay, Khăm Phanh chỉ quanh quẩn với gia chủ tại khu rừng rậm thuộc hai xã Ea R'bin và Nam Ka (huyện Lắk).

Ông Ma Thanh nhớ lại, trước đây (năm 2006), huyện Lắk rộ lên phong trào cho voi chở khách du lịch. Gia đình cũng cho một ông chủ làm du lịch ở thị trấn Liên Sơn thuê Khăm Phanh. Tuy nhiên, khi lên thăm, Ma Thanh thấy voi chảy nước mắt (biểu hiện tâm trạng buồn)… nên cả gia đình quyết định đưa về. Khăm Phanh trở thành một thành viên đặc biệt, cùng gia đình lên rẫy, tới mùa thu hoạch lại giúp vận chuyển nông sản. Hằng năm, gia đình đều tổ chức lễ cúng sức khỏe cho voi Khăm Phanh.

 

Năm 1980, Đắk Lắk có 500 cá thể voi nhà nhưng đến nay chỉ còn 37 con, hầu hết quá tuổi sinh sản. Từ năm 2017 đến 2020, cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia bảo tồn voi thế giới, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk bắt tay vào quá trình nghiên cứu, chữa vô sinh cho đàn voi nhà. Kết quả, 3 cá thể voi nhà mang thai, nhưng voi con sinh ra bị chết ngạt. Dù vậy, việc voi thành công mang thai và sinh con đã giúp Trung tâm hoàn thiện quy trình cho voi sinh sản, mở ra hy vọng bảo tồn voi nhà.

Do khu vực Khăm Phanh sinh sống không có đồng loại nên đến nay voi chưa một lần sinh sản. “Tôi rất muốn voi được kết bạn, mang thai rồi sinh con để duy trì nòi giống, nhưng ở đây không có con voi đực. Nhìn Khăm Phanh càng ngày già đi, tôi rất lo. Khi Trung tâm phổ biến chính sách cứu trợ voi nhà, voi sẽ được đưa về Trung tâm, chăn thả trong môi trường tự nhiên, nơi đó có đồng loại để phục vụ mục tiêu bảo tồn, sinh sản…, tôi họp gia đình lại và quyết định để Khăm Phanh đi”, Ma Thanh tâm sự.

Được sự đồng ý của chủ voi, Trung tâm đã báo cáo lên các cấp thẩm quyền và vận động Tổ chức Động vật châu Á (AAF) tài trợ để cứu hộ Khăm Phanh. Tiếp đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định phê duyệt khoản viện trợ phi dự án bảo tồn cá thể voi nhà có tên Khăm Phanh, với tổng giá trị khoản viện trợ hơn 1 tỷ đồng để cứu hộ voi. Số tiền này được giao cho chủ voi để hỗ trợ công chăm sóc Khăm Phanh suốt thời gian qua.

Trước khi đi, gia đình Ma Thanh tổ chức lễ cúng sức khỏe, tiễn Khăm Phanh về nơi ở mới. Sau khi đưa về Trung tâm, voi Khăm Phanh được kiểm tra sức khỏe, được bố trí ở cùng một voi cái H’Bló tại khu vực chăm sóc của Trung tâm.

Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi cho biết, cứu hộ voi Khăm Phanh được xem là sự kiện lớn, có ý nghĩa đối với công tác bảo tồn voi. Chính sách cứu hộ voi nhà được Trung tâm nghiên cứu, chuẩn bị khá kỹ trước khi trình Sở NN-PTNT để tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk thông qua. Thực tế, chính sách cứu hộ voi nhà đã được phổ biến ở những nước có voi như Indonesia, Malaysia... nhằm hỗ trợ những chủ voi không đủ điều kiện chăm sóc.

Ma Thanh bên voi Khăm Phanh tại nơi ở mới.

Theo đó, chủ voi sẽ được hỗ trợ kinh phí cho thời gian chăm sóc từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/con. Ngoài ra, người chủ còn được trả công hằng tháng để chăm sóc lại chính chú voi từng sở hữu. Sau khi được cứu hộ, đàn voi được chăm sóc, thả vào khu rừng bán hoang dã tái đàn tự nhiên, cho sinh sản và phát triển mô hình du lịch voi thân thiện (ngắm voi từ xa).

Cẩm Anh


Ý kiến bạn đọc