Multimedia Đọc Báo in

Những người đánh cược tính mạng với "thủy thần"

15:31, 09/10/2021

Dập lửa cứu người sống, tìm kiếm người đuối nước là những công việc chủ yếu của lính phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC - CNCH). Mỗi một lần thực hiện nhiệm vụ cứu nạn dưới nước là một lần đánh cược tính mạng với “thủy thần”.

"Sợi dây sinh tử"

Trung tá Phùng Việt Đức, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH (Công an tỉnh) cho biết, quy trình cấp bách của cứu nạn, cứu hộ (CNCH) tùy thuộc vào nguồn tin của địa phương, hiện trường là giếng nhà dân hay sông, suối, ao, hồ… Người chỉ huy CNCH phải nắm bắt địa hình, địa thế ở khu vực xảy ra tai nạn một cách nhanh nhất để bố trí đội hình phù hợp.

Việc bố trí đội hình tìm kiếm nạn nhân đuối nước rất khó khăn. Mỗi lần tổ chức tìm kiếm nạn nhân, từng tổ có từ 1 - 3 "người nhái" nhận nhiệm vụ tìm kiếm dưới nước. Cách liên lạc duy nhất với những "người nhái" là qua sợi dây thừng. Sợi dây mong manh nhưng lại nắm giữ mạng sống của chiến sĩ CNCH. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ PCCC - CNCH gọi đó là “sợi dây sinh tử”.

Lực lượng cứu nạn cứu hộ tìm kiếm nạn nhân ở hồ Ông Giám (TP. Buôn Ma Thuột).

Một đầu của dây thừng được cột chặt vào “người nhái”, đầu dây còn lại người trên thuyền nắm giữ. Để thông tin cho “người nhái” ở dưới nước sang trái, sang phải, đi tới, đi lui và khi "người nhái" phát hiện được thi thể nạn nhân sẽ thông báo cho người nắm giữ dây thừng bằng cách giật dây.

Cho dù là người có thâm niên trong ngành cứu hộ, hoặc là chiến sĩ mới vào nghề mỗi khi đảm nhiệm trọng trách nắm giữ "sợi dây sinh tử" cũng nhiều lần giật mình thót tim bởi những tín hiệu báo giả do ảnh hưởng của dòng nước hoặc các vật thể vướng vào sợi dây. Cũng chính vì vậy, người trên thuyền phải tập trung cao độ, quan sát tỉ mỉ "sợi dây sinh tử" để nhận biết tín hiệu của “người nhái” dù nhỏ nhất, vì chỉ một sơ suất nhỏ có thể khiến đồng đội của mình sẽ hy sinh.

 

9 tháng đầu năm 2021, Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH (Công an tỉnh) đã tiếp nhận 28 vụ CNCH; trong đó cứu sống 41 người, tìm kiếm được 15 thi thể bàn giao cho chính quyền địa phương và gia đình.

Chưa hết, người nắm giữ "sợi dây sinh tử" phải nhìn bọt khí ô xy của “người nhái” trồi lên mặt nước nhằm kiểm tra nhịp thở có đồng đều hay không, xác định tình trạng sức khỏe của đồng đội ở dưới nước để nhanh chóng hỗ trợ, xử lý.

Cán bộ, chiến sĩ được phân công nhiệm vụ tìm kiếm dưới nước còn phải đối diện với những lằn ranh sinh tử, bởi công việc tìm kiếm nạn nhân ở dưới nước tối om, phải đi theo đường zích zắc, đảo đi đảo lại nhiều lần nếu không cẩn thận dễ va vào đá, các gốc cây, lưỡi câu… Hay gặp phải những bãi cát lún, nước chảy xiết tạo thành những lạch rất nguy hiểm khi lặn. "Đặc biệt, trong môi trường nước áp suất cao đè nén, tai biến mạch máu có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu non kinh nghiệm bản thân dễ trở thành nạn nhân", Trung tá Đức nói.

“Chỉ cần đi qua tử thi cảm giác rất khác biệt”

Hầu hết những trường hợp đuối nước khi lực lượng CNCH nhận được thông tin thì nạn nhân đã tử vong. Người nhà chưa thể tìm thấy thi thể nên mới trình báo cơ quan chức năng mong được hỗ trợ. Bởi vậy, đa phần các vụ đuối nước, lính CNCH tiếp xúc với những “biến dạng” của tử thi.

Hơn 9 năm thực hiện việc tìm kiếm nạn nhân đuối nước, Thượng úy Cao Đức Quý, Đội Công tác chữa cháy, CNCH (Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH) không nhớ rõ mình đã tham gia bao nhiêu vụ việc, trục vớt bao nhiêu trường hợp. Nhưng cảm nhận khi giáp mặt với tử thi lại in hằn trong tâm trí.

Thượng úy Quý kể: "Chúng tôi được trang bị đầy đủ các phương tiện khi tham gia cứu nạn. Tuy nhiên, việc tìm kiếm thi thể nạn nhân phải sử dụng tay, chân trần mới cảm giác được là nạn nhân hay chướng ngại vật. Nhiều nạn nhân mất tích lâu ngày, cơ thể đã phân hủy, có những trường hợp nạn nhân bị nước cuốn trôi cách địa điểm xảy ra tai nạn hơn 10 km. Dù vậy, chắc có lẽ đã quen công việc nên chỉ cần đi qua tử thi cảm giác rất khác biệt".

Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) diễn tập phương án cứu nạn cứu hộ (ảnh chụp trước ngày 27-4).

Còn nhớ, trong một lần tìm kiếm nạn nhân bị đuối nước mất tích hơn 4 ngày (ở huyện Krông Bông), sau nhiều giờ tìm kiếm ở phạm vi 5 km nhưng không có kết quả, Thượng úy Quý quyết định mở rộng phạm vi hơn, trong lúc mò mẫm phát hiện tấm lưới đánh cá của ngư dân mắc lại ở gốc cây dưới lòng sông. Linh cảm nghề nghiệp, Thượng úy Quý nghi ngờ nạn nhân ở đó nên cố gắng tìm kiếm và né tránh việc mình có thể mắc vào tấm lưới. Đúng như nhận định, khi phát hiện ra thi thể nạn nhân, qua kiểm tra, tóc và chân nạn nhân bị mắc vào lưới nên anh đã dùng dao cắt, sau đó cố định nạn nhân để đồng đội hỗ trợ đưa lên bờ.

"Cái đáng sợ nhất không phải là tiếp xúc với tử thi, với chúng tôi mà nói thì đã quen rồi. Những lần xác định được tử thi nhưng do nhiều yếu tố: môi trường, thời tiết, dòng nước… ảnh hưởng nên chưa thể thực hiện được việc trục vớt, tiếng khóc ai oán của người nhà nạn nhân xấu số khiến trong lòng ai cũng trĩu nặng'', Thượng úy Quý tâm tình.

Công việc khó khăn, vất vả, hiểm nguy, chỉ một phút giây lơ là có thể đánh đổi bằng tính mạng, song “nghĩa tử là nghĩa tận", những người lính CHCN tận tâm, trách nhiệm cố gắng nhanh chóng tìm kiếm người không may tử nạn dưới nước, sớm đưa thi thể lên bờ, bàn giao cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và gia đình, đem lại chút an ủi cho chính nạn nhân và thân nhân người xấu số.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.