“Cõng” chữ lên “cổng trời” Ea Rớt
Điểm trường Ea Rớt, Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) nằm trên đỉnh con dốc cao nên nơi đây thường được gọi là “cổng trời”. Vượt qua biết bao khó khăn, thiếu thốn, các thầy, cô giáo vẫn kiên trì bám trụ, ngày ngày gieo mầm tri thức cho học sinh vùng sâu.
Cheo leo nơi “cổng trời”
Từ Trường Tiểu học Cư Pui 2 muốn đi đến Điểm trường Ea Rớt phải vượt qua hơn chục ki lô mét đường rừng. Mùa khô, lớp đất bụi dày ngập bánh xe, đi lên đến nơi, người nhuộm một màu xám xịt. Vì vậy, khi đến trường, ngoài giáo án, các thầy, cô giáo luôn phải mặc vài lớp quần áo hoặc mang theo quần áo dự phòng.
Điểm trường Ea Rớt, Trường Tiểu học Cư Pui II (xã Cư Pui, huyện Krông Bông). |
Bụi là một chuyện, muốn lên đến “cổng trời”, các giáo viên còn phải rèn luyện cả kỹ năng điều khiển xe máy để có thể vượt qua những con dốc cao, ngoằn ngoèo mà một bên là vực sâu thăm thẳm. Khi mùa mưa đến, lớp bụi mịn trên mặt đường trở nên nhão nhoẹt, trơn trượt. Dù giáo viên đã quen với địa hình, nhớ từng “ổ voi, ổ gà”, khúc cua nhưng việc trượt chân, té ngã là chuyện bình thường.
Công tác tại Trường Tiểu học Cư Pui 2 đã 9 năm, trong đó có 2 năm tăng cường tại Điểm trường Ea Rớt nên cô Nguyễn Thị Huyền Nga thấu hiểu cảnh đường xa, đi lại vất vả, bụi phủ, trơn trượt. Cô Nga tâm sự: “Mùa nắng tuy bụi bẩn nhưng vẫn còn đi lại được. Mùa mưa vất vả hơn nhiều. Có hôm giáo viên phải gửi xe máy lại nhà dân rồi lội bộ vài cây số vào trường, lấm lem bùn đất. Các em học sinh cũng vậy”.
Hơn 4 năm bám trụ nơi “cổng trời”, cô Nguyễn Thị Liễu thấm thía những nhọc nhằn của hành trình “cõng” chữ lên non. Nhà ở huyện Krông Pắc, chồng công tác bên tỉnh Gia Lai, cô đành gửi con gái nhỏ cho ông bà ngoại chăm sóc để ngày ngày đến lớp với các em. Cô Liễu nhớ nhất là quãng thời gian mang thai đứa con thứ hai, thương con gái nhỏ ở nhà nhưng vì đường xa, nhiều đoạn phải đi qua rừng núi hoang vu nên mùa mưa cô thường ở lại trường. “Yêu nghề, thương các em nên dẫu khó khăn, vất vả, các thầy, cô giáo vẫn kiên trì bám trụ”, cô Liễu trải lòng.
Nhọc nhằn “gieo” chữ
Năm học 2021 - 2022, Điểm trường Ea Rớt có 162 học sinh, 100% là người dân tộc thiểu số phía Bắc, trong đó chủ yếu là dân tộc Mông. Điểm trường có 6 thầy cô giáo chủ nhiệm 6 lớp và 2 giáo viên dạy môn Âm nhạc, Thể dục. Đa số các thầy, cô đều ở xa điểm trường, việc đi lại khó khăn đã đành nhưng để truyền tải kiến thức cho học sinh, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, không thể dạy học trực tiếp lại càng gian nan bội phần.
Đường lên "cổng trời" Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông). |
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk năm 2013, cô Nguyễn Thị Lưu ở xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) về công tác tại Trường Tiểu học Cư Pui 2. Tám năm làm cô giáo vùng sâu, đã đi tăng cường tại các điểm trường Ea Uôl, Cư Tê, Ea Rớt nhưng đối với cô, việc quay lại Điểm trường Ea Rớt trong năm học 2021 - 2022 thật đặc biệt bởi nhiều lẽ. Đây không chỉ là điểm xa nhất, đi lại khó khăn nhất, nhiều học sinh thuộc hộ nghèo nhất mà còn vì việc dạy học năm nay cũng khó khăn nhất. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, từ đầu năm học đến nay, cô Lưu và các thầy, cô trong trường đều phải đến tận nhà giao bài cho học sinh.
Thầy Nguyễn Hồng Thuần, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui 2
|
Lớp 5B của cô Lưu chủ nhiệm có 27 học sinh, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Những ngày cuối tuần, cô soạn nội dung bài học của cả tuần trong phiếu giao bài. Sáng thứ hai hằng tuần, cô đi đến nhà từng em để giao bài, truyền đạt kiến thức mới, hướng dẫn cách làm bài tập. Thứ tư lại đến nắm tiến độ, kiểm tra, nhắc nhở. Thứ sáu tiếp tục vào tận nơi để thu bài về chấm, đánh giá khả năng tiếp thu của từng em và có hướng phụ đạo thêm. Nhà học sinh ở rải rác, có em ở trên đồi cao nên mỗi ngày, cô phải đi từ sáng sớm đến chiều tối mới xong. Cô Lưu chia sẻ: “Dạy trực tiếp đã khó, việc dạy học bằng hình thức giao bài càng khó khăn hơn. Bố mẹ các em đi làm ăn xa, không thể kèm cặp, nhắc nhở. Nhiều em phải chăm sóc em nhỏ, không quan tâm mấy đến việc học. Nhiều em thiếu đồ dùng học tập, quần áo, các thầy, cô phải hỗ trợ thêm”.
Thầy Nguyễn Hồng Thuần, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui 2 cho biết, trong số 3 điểm trường thì Điểm trường Ea Rớt là khó khăn nhất. Nơi đây chưa có điện, phải dùng năng lượng mặt trời, những ngày mưa dầm không đủ điện để sạc điện thoại. Nhiều phụ huynh dù có điện thoại thông minh cũng không có tiền sử dụng Internet 3G, 4G nên việc học online rất khó triển khai. Nhà trường đang thí điểm để các thầy cô vận động những hộ ở gần nhau cho học sinh sử dụng chung một điện thoại, chung tiền mua sim 4G cho các em học online nhưng cũng chỉ được một số em. Còn lại, giáo viên vẫn tiếp tục đến giao bài tại nhà. Biết là khó nhưng Ban Giám hiệu nhà trường luôn động viên, khích lệ các thầy cô giáo cố gắng khắc phục, không để việc học của các em bị gián đoạn.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc