Multimedia Đọc Báo in

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Bông Krang: Quản lý, vận hành tốt mang lại hiệu quả thiết thực

07:26, 04/11/2021

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Bông Krang (huyện Lắk) trước đây là công trình cấp nước tự chảy được xây dựng từ năm 2008, do hội dùng nước xã quản lý, vận hành, thu tiền sử dụng nước.

Tuy nhiên, sau một thời gian, công trình dần xuống cấp, đường ống hư hỏng nhiều, nước thường bị đục, nhất là vào mùa mưa, không bảo đảm việc cấp nước thường xuyên cho các hộ. Thêm vào đó, hội dùng nước xã không đủ khả năng sửa chữa, nâng cấp nên công trình dần dần “tê liệt”, đến năm 2015 thì ngừng hoạt động.

Gia đình ông Y Tâm Liêng (buôn Sruông, xã Bông Krang) vui mừng khi công trình phát huy hiệu quả, cấp nước sinh hoạt đều đặn cho người dân.

Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh làm đại diện chủ đầu tư dự án sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt xã Bông Krang với tổng nguồn vốn trên 10,2 tỷ đồng từ Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, vay vốn Ngân hàng Thế giới. Công trình có công suất thiết kế 500 m3/ngày-đêm, cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 900 hộ dân trên địa bàn xã với tiêu chuẩn 60 lít/người/ngày-đêm. Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2019, công trình đã góp phần “giải cơn khát” nước sinh hoạt vào mùa khô của người dân trên địa bàn xã.

Gia đình ông Y Tâm Liêng (dân tộc M’nông) ở buôn Sruông là một trong những hộ đăng ký dùng nước ở công trình cũ ngay những ngày đầu. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, nguồn nước cấp không đều, lúc có lúc không và dần ngừng hẳn, gia đình ông phải ra con suối Đắk Mây gần nhà lấy nước về dùng nấu ăn, uống. Nay công trình được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, đưa vào sử dụng trở lại, ông cũng như bà con trong buôn mừng lắm, không còn lo thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô nữa.

 

“Hiện nay, số hộ đăng ký đấu nối mới chỉ đạt 80% công suất thiết kế của công trình. Trong khi đó, người dân là hộ nghèo, dân tộc thiểu số thuộc 10 buôn đặc biệt khó khăn của xã vùng III Bông Krang đều được Nhà nước hỗ trợ kéo đường ống, miễn phí sử dụng 5 m3 nước đầu nên rất mong bà con các buôn đăng ký sử dụng nước để công trình phát huy hết công suất".

 
Anh Trần Chí Tâm, quản lý công trình cấp nước xã Bông Krang

Tương tự, ông Y Nar Du ở cùng buôn Sruông không chỉ “ưng cái bụng” vì nước sạch về tận nhà mà còn vui mừng hơn khi được Nhà nước hỗ trợ lắp đặt đường ống miễn phí, sử dụng 5 m3 nước đầu không phải trả tiền.

Ông Y Nar bày tỏ: Nước giếng vào mùa mưa thường bị đục, mùa khô có năm nước cạn khiến sinh hoạt gặp khó khăn. Từ khi công trình được sửa chữa, hoạt động trở lại, gia đình ông cho cả nhà con gái ở gần dùng chung mỗi tháng cũng chỉ hết hơn 100.000 đồng tiền nước. Ban quản lý mới giúp công trình vận hành hiệu quả hơn, nước được cấp đều đặn, hư hỏng gì chỉ cần gọi điện thoại có người tới xử lý ngay nên ai cũng yên tâm.

Để người dân hiểu, tin tưởng và tiếp tục đăng ký sử dụng nước, trong thời gian công trình được sửa chữa, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã tổ chức nhiều buổi truyền thông về tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch, quy mô công trình, cách thức quản lý, vận hành, giá nước, các chế độ, chính sách đối với người dân.

Nhờ vậy, đã có 720 hộ của 11 buôn trên địa bàn xã đăng ký sử dụng nước. Cùng với công tác tuyên truyền, Trung tâm đã cử hai cán bộ xuống đảm nhận việc quản lý, vận hành, sửa chữa, thu tiền nước hằng tháng. Do địa bàn cấp nước rộng nên công trình có hai trạm cấp nước gồm trạm 7 buôn đóng ở buôn Ja và trạm 4 buôn đóng ở buôn Diêo.

Anh Trần Chí Tâm, quản lý công trình cho biết, đây là công trình sửa chữa, nâng cấp, vẫn tận dụng 35 km đường ống cũ nên thường xảy ra những hư hỏng nhỏ như vỡ đường ống, rò rỉ. Hơn nữa, nguồn nước của công trình là nguồn nước tự chảy, lấy từ đầu nguồn con suối trên núi Chư Yang Sin xuống phải qua hố thu nước, lưới chắn rác, qua bể lắng, bể chứa, bể lọc áp lực, xử lý Clo mới cấp đến từng hộ dân. Vì vậy, để nguồn nước bảo đảm chất lượng, vào mùa mưa, hai nhân viên quản lý công trình thường xuyên túc trực ngày, đêm, nếu mưa to phải lên đầu nguồn đóng nước, tránh tình trạng nước bị đục.

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.