Multimedia Đọc Báo in

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Ya Tờ Mốt (Ea Súp): "Giải cơn khát" cho người dân xã vùng sâu

09:23, 13/05/2015
Công trình cấp nước sinh hoạt xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) do Trung tâm Nước sinh hoạt và Môi trường nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư với tổng kinh phí xây dựng khoảng 6,6 tỷ đồng được đưa vào sử dụng từ đầu tháng 3-2011 đã góp phần “giải cơn khát” cho người dân xã vùng 3 này.

Do đặc điểm địa hình nơi đây hầu hết là đất cát pha, nguồn nước mặt bị nhiễm phèn nên việc đào giếng rất khó khăn. Vào mùa khô, đa phần các giếng đều cạn nước nên khi được tài trợ xây dựng công trình cấp nước từ năm 2002 với công suất thiết kế cung cấp nước cho 170 hộ, bà con địa phương rất vui mừng vì phần nào giảm được nỗi lo thiếu nước sinh hoạt. Tuy nhiên, đến năm 2010, công trình xuống cấp nghiêm trọng, nguồn nước cấp không đủ khiến các hộ lại rơi vào tình cảnh “khát” nước, những hộ có điều kiện đã tự khoan giếng, không thì phải xin nước về dùng. Xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân trên địa bàn, Trung tâm Nước sinh hoạt và Môi trường nông thôn tỉnh đã khảo sát, lập kế hoạch xin nâng cấp công trình cấp nước cũ và được UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn phê duyệt, cấp kinh phí khởi công xây dựng từ tháng 12-2010. Trong tổng số kinh phí trên 6,6 tỷ đồng, có 90% vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, số còn lại do người dân đóng góp. Công trình có công suất thiết kế cấp nước ổn định cho 600 hộ dân thuộc địa bàn các thôn 9, 10, 11, 12, 13, 14A và 14B của xã Ya Tờ Mốt. Hiện đã có 372 hộ dân trên địa bàn xã đăng ký sử dụng nước từ công trình, đạt 62% công suất thiết kế. Công trình đã góp phần mang niềm vui được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh cho người dân trong xã.

Người dân thôn 14A xã Ya Tờ Mốt được sử dụng nguồn nước  sinh hoạt hợp vệ sinh.
Người dân thôn 14A xã Ya Tờ Mốt được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Trước đây, tuy kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng do muốn có nguồn nước sạch ổn định phục vụ sinh hoạt, gia đình ông Đinh Hữu Kim ở thôn 10 đã cố gắng dành dụm hơn 1 triệu đồng đóng góp để được đấu nối sử dụng nước. Tuy nhiên, mới thoát khỏi cảnh “khát nước” được vài năm, công trình đã ngưng hoạt động, những tháng mùa khô, gia đình ông lại phải đi xin nước về dùng. Vì vậy, khi công trình cấp nước sinh hoạt được đưa vào vận hành, vợ chồng ông đã quyết định đăng ký đấu nối. Ông Kim cho biết: “Công trình mới này cấp nước khá ổn định, nguồn nước chảy mạnh, sử dụng hợp vệ sinh hơn nước giếng nên bà con trong thôn rất phấn khởi. Tôi chỉ mong sao công trình hoạt động tốt để phục vụ bà con được lâu dài”. Tương tự, từ khi đi kinh tế mới tại xã Ya Tờ Mốt, 10 năm qua, cứ vào những tháng mùa khô, gia đình ông Cầm Bá Thông ở thôn 9 đều phải đi xin nước các hộ khác trong vùng về dùng, vừa bất tiện lại vừa mất thời gian. Kinh tế gia đình ông rất khó khăn, lo cái ăn và việc học cho con đã chật vật nên không có khả năng đầu tư 6-7 triệu đồng để khoan giếng. Vì vậy, từ khi có công trình cấp nước tập trung, gia đình ông đã đăng ký để được đấu nối sử dụng. Bây giờ chỉ cần vặn vòi là có nước dùng ngay, không phải vất vả thay nhau đi gánh như trước đây nữa”, ông Thông chia vui.

Ông Nguyễn Hữu Quảng, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đây là công trình cấp nước tập trung có quy mô lớn được quan tâm đầu tư trên địa bàn xã, góp phần quan trọng trong việc giải quyết bài toán thiếu nước của người dân từ thôn 9 đến thôn 14, giúp họ ổn định cuộc sống và thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Để bảo đảm vận hành liên tục, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, chính quyền địa phương và các đoàn thể đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ công trình, sử dụng nước tiết kiệm, nhất là trong các tháng mùa khô”. Tuy nhiên, theo ông Vi Viết Hội, Quản lý công trình cấp nước sinh hoạt xã Ya Tờ Mốt, hiện nay đang gặp khó khăn trong việc thu tiền sử dụng nước của người dân. Nhiều hộ nợ tiền nước, kéo dài từ 4 – 12 tháng nên tổng số tiền công trình nợ của Trung tâm Nước sinh hoạt và Môi trường nông thôn tỉnh lên đến 26 triệu đồng. Trước tình trạng trên, cán bộ Trung tâm đã nhiều lần xuống phối hợp với chính quyền địa phương, Ban quản lý công trình tuyên truyền, vận động các hộ dân và tạm dừng cấp nước đối với 10 hộ cố tình chây ỳ không trả tiền sử dụng nước. Nhờ vậy, đã thu hồi được 12 triệu đồng tiền nợ đọng. Ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và Môi trường nông thôn tỉnh cho hay: “Những hộ thực sự khó khăn, Trung tâm vẫn tạo điều kiện cấp nước sinh hoạt, chờ đến vụ thu hoạch thanh toán tiền. Nhưng đối với các hộ cố tình chây ỳ, đơn vị sẽ xử lý nghiêm để công trình có kinh phí duy trì hoạt động”.

Thực tế cho thấy, tuy thời điểm này đang là những tháng cao điểm của mùa khô nhưng công trình vẫn còn đủ năng lực cấp nước cho hơn 200 hộ nữa. Vấn đề còn lại là nhận thức của người dân trong việc đầu tư đấu nối và nghĩa vụ trả tiền sử dụng nước và cùng với đó là sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm để vừa giải quyết được vấn đề nước sinh hoạt vừa bảo đảm sức khỏe, vệ sinh môi trường.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.