Multimedia Đọc Báo in

Dạy học giữa mùa dịch: Sao cho hiệu quả?

07:42, 26/11/2021

Nhằm bảo đảm tiến độ dạy và học năm học 2021 - 2022, ngành giáo dục đang triển khai linh hoạt các phương án dạy học trực tiếp, trực tuyến, dạy học qua truyền hình…

Những giải pháp tình thế khi dạy, học online

Theo thống kê mới nhất của Sở GD-ĐT, từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 17,35% học sinh được đến trường học trực tiếp, 82,65% học sinh học trực tuyến kết hợp với các hình thức dạy học khác.

Giờ ra chơi của học sinh Trường Tiểu học Đinh Núp, xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch). 

Nằm trên địa bàn buôn TuLa, xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn), Trường Tiểu học Nguyễn Du là một trong những đơn vị có nhiều cố gắng trong công tác dạy và học mùa dịch. Năm học 2021 - 2022, toàn trường có 498 học sinh, chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức khảo sát thiết bị học tập của học sinh, có những biện pháp hỗ trợ theo khả năng của mình nhưng vẫn có 308 em chưa có thiết bị học online, chiếm 61,8% tổng số học sinh toàn trường.

Thầy Hoàng Quốc Hội, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, đời sống người dân địa phương còn nhiều khó khăn, việc mua sách vở cho các em vốn đã khó, nay sắm thêm thiết bị học trực tuyến lại càng khó hơn. Trước “lỗ hổng” thiếu thiết bị học online quá lớn đó, Ban Giám hiệu nhà trường đã phối hợp với UBND xã đến tận các gia đình để khảo sát tình hình thực tế và vận động phụ huynh nhường điện thoại của mình cho con em học tập; cho các em khác gần nhà, cùng khối lớp học chung, tổ chức giao bài cho học sinh ở xa...

Nhờ đó, việc dạy học vẫn bảo đảm đúng tiến độ và đang ở tuần thứ 11 của năm học. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng dạy học lại rất khó đánh giá và không thể so sánh với dạy trực tiếp. Bởi những học sinh đang ở bậc tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1 khi dạy trực tiếp, cầm tay nắn từng nét chữ đã khó chứ chưa kể đến chuyện dạy online. Trong khi đó, hầu hết phụ huynh là nông dân, họ đi làm rẫy cả ngày nên chuyện đồng hành học với con mình xuyên suốt buổi học là rất khó.

Ở bậc THCS việc dạy học tuy có thuận lợi hơn nhưng thực tế vẫn gặp những khó khăn không dễ khắc phục. Ông Thái Văn Lộc, chuyên viên phụ trách giáo dục THCS, Phòng GD-ĐT huyện Buôn Đôn cho biết, toàn huyện có 4.406 học sinh bậc THCS, trong đó có 802 học sinh không có thiết bị học trực tuyến, là những học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mồ côi hoặc gia đình có nhiều anh em đi học cùng lúc. Để khắc phục tình trạng thiếu máy móc, các trường đã linh động trong việc dạy, học gián tiếp bằng cách ghép nhóm để nhiều em cùng học một máy; giao bài đối với học sinh ở xa, ngoài vùng phủ sóng hoặc không có thiết bị học… Tuy nhiên vẫn có những trường không theo kịp kế hoạch dạy học do học sinh thiếu thiết bị và nằm ở vùng dịch trong đầu năm học.

 

Một vấn đề quan trọng là phải phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cấp chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện việc dạy học mùa dịch; ngành giáo dục sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát  việc dạy học trực tiếp của các nhà trường”.

 

Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp,Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết.

 

Để thích ứng với thực tế này, huyện Buôn Đôn đã phân cấp dạy học online theo từng cấp học. Cụ thể, học sinh THPT học buổi sáng, học sinh THCS học buổi chiều, học sinh tiểu học buổi tối từ 19 - 21 giờ và khuyến khích phụ huynh, anh chị học cùng để hỗ trợ các em. Phương án triển khai rõ ràng, linh hoạt nhưng theo đánh giá của các giáo viên, tình trạng học sinh bị out ra khỏi lớp hoặc đường truyền yếu, không thể mở camera, mic khi dạy học vẫn xảy ra thường xuyên. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc tiếp cận kiến thức của học sinh mà còn ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dạy học của cả lớp. Do đó, dạy học trực tiếp để bảo đảm kiến thức và an toàn với dịch bệnh là mong muốn của nhiều người.

Chuẩn bị dạy học trực tiếp

Sở GD-ĐT vừa có văn bản số 1891/SGĐT-GDTrH-GDTX ngày 23/11/2021 về việc triển khai dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: việc tổ chức dạy học trực tiếp có những thuận lợi nhất định như được sự chỉ đạo sát sao, sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan chức năng; tinh thần trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, nhận thức của học sinh, phụ huynh về việc học trong điều kiện dịch bệnh được nâng cao; hầu hết các nhà trường chuẩn bị cơ sở vật chất, phương án phòng chống dịch, dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế nhà trường và địa phương.

Bên cạnh đó cũng có nhiều khó khăn và thách thức khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh; đối tượng học sinh học trong một lớp học có lượng kiến thức và kỹ năng không đồng đều vì trải qua thời gian dài học trực tuyến khác nhau;  tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số cao và một bộ phận học sinh, cha mẹ học sinh vẫn có tâm lý e ngại khi cho con em đến trường; học sinh chưa được tiêm vắc xin; tâm lý của một số học sinh bị ảnh hưởng tiêu cực sau một thời gian dài ở nhà; việc triển khai dạy học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các khối lớp 1, 2, 6  có những bất cập….

Khung cảnh vắng lặng của Trường Tiểu học Nguyễn Du (huyện Buôn Đôn) khi nhà trường tổ chức dạy học online.

Để tổ chức tốt dạy học trực tiếp trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở GD-ĐT đã và đang triển khai nhiều giải pháp như: tăng cường công tác truyền thông về việc triển khai dạy học thích ứng với điều kiện mới; các cơ sở giáo dục thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch; phân loại đối tượng học sinh trong một lớp học để có kế hoạch dạy học phù hợp, có phương án xử lý khi học sinh, giáo viên bị nhiễm bệnh; các thầy, cô giáo cần linh hoạt và phối hợp nhịp nhàng dạy học trực tiếp và trực tuyến trong tình huống chuyển trạng thái; nhà trường động viên và kịp thời giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn và bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 đến trường học tập.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​