Multimedia Đọc Báo in

Người dân bất an vì sống gần bãi đổ bùn thải

07:21, 18/11/2021

Nhà máy xử lý nước ở xã Ea Na (huyện Krông Ana) thuộc Dự án cấp nước TP. Buôn Ma Thuột và 3 thị trấn tại các huyện Krông Năng, Ea Kar và Buôn Đôn, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8-2020.

Công trình do Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk làm chủ đầu tư, có công suất thiết kế 35.000 m3/ngày đêm, với mục tiêu bổ sung nguồn nước cho TP. Buôn Ma Thuột và vùng lân cận trên đường ống nhà máy đi qua.

Thế nhưng từ giữa tháng 10-2021 đến nay, việc đổ bùn lắng của nhà máy nước ra khu vực dân cư đã ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân xã Dray Sáp (huyện Krông Ana).

ột người dân tại buôn Kla (xã Dray Sáp) cho biết, những ngày gần đây, bà thường thấy xe chở bùn đến vị trí gần nhà bà để đổ, chiều đến bùn bốc mùi hôi rất khó chịu. Vấn đề bà lo lắng nhất là nước và các chất từ lượng bùn thải này sẽ ngấm dần xuống nước ngầm, ảnh hưởng lâu dài đến nước sinh hoạt, sản xuất của gia đình và những hộ xung quanh.

Vị trí tập kết bùn thải tại buôn Kla, xã Dray Sáp (huyện Krông Ana).

Quan sát thực tế cho thấy, phía cuối vị trí đổ bùn thải có vườn cà phê trong thời kỳ kinh doanh của một hộ dân trên địa bàn có biểu hiện vàng lá do nghẹt rễ, người dân phải thu hoạch khi trái cà phê còn xanh. Tại mảnh vườn ở vị trí tiếp giáp khu vực đổ bùn thải, các gốc cà phê bị phủ một lớp bùn dày, gây khó khăn cho người dân khi thu hoạch.

Được biết, do quá trình đổ, đơn vị thực hiện không tiến hành đắp bờ nên một lượng bùn thải khá lớn chảy tràn sang khu vực rẫy cà phê của gia đình này. Đến chiều 10-11 (thời điểm phóng viên có mặt tại vị trí đổ bùn thải), công ty này đã đắp bờ, tuy nhiên làm rất sơ sài, trường hợp lượng bùn thải nhiều hoặc gặp trời mưa thì khó tránh khỏi bùn tràn sang đất của những hộ xung quanh.

Theo tìm hiểu, ngày 10-10-2021, Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk và Công ty TNHH MTV Phúc Nhiên ở TP. Buôn Ma Thuột (gọi tắt là Công ty Phúc Nhiên) ký Hợp đồng số 02/2021/HĐ-CPCNDL về dịch vụ thu gom, vận chuyển bùn thải tại nhà máy xử lý nước. Theo hợp đồng này, Công ty Phúc Nhiên có nhiệm vụ thu gom, vận chuyển 620 m3 bùn thải từ Nhà máy cấp nước Ea Na, trong thời gian 50 ngày kể từ ngày ký, giá trị tạm tính hơn 111 triệu đồng.

Về phía chủ đầu tư, ông Nguyễn Công Định, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk cho hay, nước tại nhà máy được xử lý theo quy trình: nước được bơm từ sông Sêrêpốk lên – qua hệ thống lắng lọc phù sa – sử dụng hóa chất trợ lắng PAC (một loại hóa chất thường được dùng để xử lý nước sinh hoạt) – xử lý bằng chất clo lỏng.

Việc ký hợp đồng với Công ty Phúc Nhiên là dựa trên kết quả thử nghiệm mẫu bùn thải do Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 tại TP. Đà Nẵng (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) cho thấy, hàm lượng tuyệt đối cơ sở và ngưỡng nguy hại tính theo nồng độ ngâm chiết của các thông số trong bùn thải đều trong ngưỡng cho phép.

Trước đó, để xác định bùn thải có chất nguy hại hay không, đơn vị căn cứ vào Thông tư 32/2013/TT-BTNMT, ngày 25-10-2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chuẩn Việt Nam số 50 (QCVN50:2013/BTNMT) quy định về ngưỡng nguy hại tính theo độ ngâm chiết của các thông số trong bùn thải. Trong đó, có danh mục 1 đến 15 được áp dụng với tất cả các loại bùn thải từ quá trình xử lý nước, trên cơ sở đó, đối chiếu với kết quả trên nếu không bảo đảm thì sẽ vượt quy định và sẽ trở thành chất thải nguy hại.

Rẫy cà phê của một hộ dân sát khu vực tập kết bùn thải có hiện tượng vàng lá, nghi do nghẹt rễ.

Còn theo lý giải của ông Trần Trọng Ninh, Giám đốc Công ty Phúc Nhiên, khi triển khai vận chuyển bùn thải từ nhà máy, một hộ dân trên địa bàn đã làm đơn xin đổ bùn thải tại rẫy của gia đình để cải tạo đất nên công ty đồng ý. Cũng theo ông Ninh, bùn thải được lấy từ sông nên sẽ có "mùi đặc trưng”, người dân biết không độc hại nên mới xin đổ về vườn, rẫy (!?).

Tuy nhiên, việc đổ bùn thải tại vị trí nêu trên chỉ phục vụ cho một hộ dân, nhưng thực tế đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và quá trình sản xuất của các hộ xung quanh. Chưa kể, về lâu dài nếu tiếp tục tập kết số lượng bùn thải lớn, nguồn nước sinh hoạt và nước sản xuất của khu dân cư này ít nhiều sẽ bị tác động. Nếu không sớm có giải pháp khắc phục, di dời điểm tập kết bùn thải này thì khó tránh khỏi những bức xúc trong dư luận.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đình Chiến, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Ana cho biết, địa phương mới nhận được thông tin phản ánh của người dân về tình trạng Công ty Phúc Nhiên đổ bùn thải ở khu vực buôn Kla, xã Dray Sáp. Phòng sẽ cử cán bộ đến kiểm tra, xem xét, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định.

Trường Duy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.