Phòng, chống dịch COVID-19 vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Chú trọng công tác tuyên truyền
Thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nhiều buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) xuất hiện các chùm ca bệnh, mức độ lây lan nhanh, nguy hiểm. Nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, các ngành chức năng đã và đang triển khai nhiều hoạt động, việc làm cụ thể; trong đó, công tác tuyên truyền được đặc biệt chú trọng.
Huyện Buôn Đôn có đông đồng bào DTTS sinh sống, lại là địa bàn giáp ranh với TP. Buôn Ma Thuột và huyện Cư M’gar - hai địa phương có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên huyện đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS.
Phòng Văn hóa và Thông tin huyện sử dụng xe tuyên truyền lưu động đến trung tâm 7 xã và 26 buôn đồng bào DTTS; Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện tăng cường nội dung, thời lượng chương trình tuyên truyền về dịch COVID-19 bằng tiếng phổ thông và tiếng Êđê; nội dung thông tin, tuyên truyền về việc ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi nhanh dịch bệnh, sớm ổn định tình hình, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường; thực hiện "mục tiêu kép" phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân và bảo đảm điều kiện cho phục vụ sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ các địa phương có số ca nhiễm, tình hình, diễn biến dịch phức tạp; nêu gương người tốt, việc tốt trong tham gia phòng, chống dịch; chủ trương của tỉnh về việc đón công dân từ vùng dịch về địa phương bảo đảm an toàn và hiệu quả...
Hệ thống loa truyền thanh trên địa bàn một buôn đồng bào DTTS của huyện Buôn Đôn. |
Ở huyện Cư Kuin, xã Ea Bhốk từng là “điểm nóng” về dịch bệnh COVID-19, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền cùng sự đồng lòng của người dân nên dịch bệnh đã cơ bản được ngăn chặn, dần đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Xuân Phương, việc ngăn chặn chuỗi lây trong buôn đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn vì tập quán sinh sống có tính cộng đồng cao, trong khi ý thức phòng, chống dịch bệnh của bà con chưa cao. Vì vậy, để công tác phòng, chống dịch hiệu quả, xã đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng người có uy tín trong đồng bào DTTS phát huy vai trò trong tuyên truyền, vận động nhân dân. Trong đó, việc “đi tận ngõ, gõ từng nhà”, phát tờ rơi, treo băng rôn, pa nô, áp phích… tuyên truyền bằng cả hai thứ tiếng là những giải pháp rất hiệu quả. Từ đó, định hướng dư luận để người dân không chủ quan, lơ là nhưng cũng không hoang mang, lo sợ mà thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Cuối tháng 8 vừa qua, ghi nhận chùm ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tại buôn Pu Huê (xã Ea Ktur), chính quyền địa phương đã chủ động tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân bằng hai thứ tiếng . Ông Y Nik Êban (buôn Pu Huê) cho biết: “Từ khi được nghe qua loa truyền thanh xã và được cán bộ cơ sở truyền đạt trực tiếp bằng tiếng dân tộc mình thì tôi đã hiểu rõ hơn về dịch COVID-19, qua đó nhắc nhở con cháu mình tự giác phòng, chống dịch bệnh, đeo khẩu trang khi ra đường và rửa tay sạch sẽ, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc”...
Pa nô tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tại một tuyến đường ở trung tâm xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin). |
Thời gian qua, để giúp người dân vùng đồng bào DTTS nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh nói chung, dịch COVID-19 nói riêng, Ban Dân tộc tỉnh đã in ấn 15.000 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch bằng ba thứ tiếng (tiếng phổ thông - Êđê - M'nông) để phát cho đồng bào DTTS; đồng thời, cung cấp sản phẩm truyền hình, phát thanh nội dung phòng, chống dịch trong đồng bào DTTS bằng ba thứ tiếng cho đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thị xã, thành phố và đài truyền thanh cấp xã thuộc vùng đồng bào DTTS.
Mới đây, Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) đã tổ chức khảo sát việc tuyên truyền bằng tiếng dân tộc trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19 tại 8 xã thuộc 4 huyện Cư Kuin, Krông Ana, Buôn Đôn và Krông Pắc.
Phó Trưởng Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) Y Car Ênuôl đánh giá: “Các địa phương có đông đồng bào DTTS đã tăng cường công tác tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh, đồng thời có sự chủ động tuyên truyền bằng loa di động, phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu tại các điểm dân cư, nơi công cộng. Nhiều địa phương đã quan tâm sắp xếp, bố trí phát thanh viên, tuyên truyền viên tiếng dân tộc tại địa phương mình trong các đợt phòng, chống các loại dịch bệnh, nhất là đối với dịch COVID-19...
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, bước đầu đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh vùng đồng bào DTTS”.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc