Multimedia Đọc Báo in

Ấm lòng quán cơm chay 5.000 đồng giữa lòng thành phố

15:21, 05/12/2021

Nhiều năm nay, quán cơm chay 5.000 đồng của Đoàn thanh niên phật tử Thiện Sinh, chùa Sắc Tứ Khải Đoan (TP. Buôn Ma Thuột) trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Chỉ với 5.000 đồng, những người nghèo đã có một suất cơm ấm nóng, ngon miệng để tiếp tục với việc mưu sinh.

Sau một buổi rong ruổi khắp các ngõ ngách của phố phường bán vé số, trưa đến, bà Nguyễn Thị Hương (63 tuổi) lại ghé vội quán cơm chay 5.000 đồng tại địa chỉ số 02 đường Đào Duy Từ để dùng bữa. Cầm suất cơm trên tay, bà Hương chia sẻ: “Từ ngày quán cơm mở ra, hầu như ngày nào tôi cũng ghé mua. Cơm ở đây khá ngon và phù hợp với khẩu vị. Lắm lúc, quán còn cho tôi quần áo cũ hay những phần quà ý nghĩa, giúp sẻ chia gánh nặng mưu sinh của mình”. Quá trưa, khách hàng vẫn liên tục ra vào quán, ai cũng tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế khi đến mua hàng, nhiều người đến muộn quá, đã hết cơm được hẹn chiều quay lại. 

Bà Nguyễn Hoàng Oanh, người đồng hành và phụ trách quán từ những ngày đầu mới mở cho hay, quán cơm chay 5.000 đồng do Đoàn thanh niên phật tử Thiện Sinh, chùa Sắc Tứ Khải Đoan thành lập với mong muốn sẻ chia phần nào khó khăn với những lao động thu nhập thấp, người nghèo, người già neo đơn, hoàn cảnh khó khăn… Trước đây, quán đặt tại số 17 đường Trần Bình Trọng, mới chuyển về đường Đào Duy Từ vào tháng 8/2020. Năm nay đã là năm thứ bảy quán đi vào hoạt động. Có được kết quả đó là nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ từ quý thầy của chùa Sắc Tứ Khải Đoan cùng các phật tử và các nhà hảo tâm trên địa bàn.

Thành viên của quán cơm chay 5.000 chuẩn bị các suất cơm chay.

Để có những suất cơm đầy đủ, nóng sốt kịp bán vào giờ ăn, hằng ngày, sẽ có 3 - 4 người làm việc “cứng” tại quán, còn lại các thành viên trong đoàn sẽ luân phiên đến phụ giúp, đặc biệt khi có các chương trình lớn. Hiện quán cơm chay 5.000 đồng phục vụ hầu như xuyên suốt các ngày trong tháng, chỉ nghỉ hai ngày mùng 2 và 16 (âm lịch), tổ chức nấu hai buổi trưa và chiều với số lượng từ 200 - 300 suất ăn mỗi ngày. “Những suất ăn có đầy đủ món kho, xào, canh, được chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đổi món liên tục hằng ngày để mọi người ăn không bị nhàm chán. Một mong muốn nữa khi chúng tôi mở quán là có thể "gieo duyên" cho mọi người ăn chay, hướng đến lối sống xanh, bảo vệ sức khỏe” - bà Phan Thị Ngọc, người đồng phụ trách quán tâm sự.

Sau nhiều năm hoạt động, đến nay, quán cơm chay 5.000 đồng đã có nhiều “khách hàng thân thiết”, chủ yếu là những người lái xe thồ, bán vé số dạo, thu mua ve chai hay người già neo đơn, tàn tật, lao động có thu nhập thấp. Những bữa cơm chay 5.000 đồng không chỉ đủ chắc bụng mà còn tránh tạo mặc cảm cho họ khi đến ăn thường xuyên, bởi thế ai cũng đến quán với một tâm thế thoải mái, vui vẻ. Bà Bùi Thị Tuyết Hạnh (56 tuổi, phường Thành Nhất) trò chuyện, hiện bà đang sống một mình, hằng ngày đi làm thuê kiếm sống. Buổi trưa cũng gần 12 giờ mới được nghỉ làm, vì vậy bà chọn mua cơm ở đây ăn vừa ngon, ấm nóng, mọi người ở quán lại rất thân thiện và niềm nở tiếp đón nên bà khá thoải mái khi đến đây dùng bữa hay mua mang về.

Khách hàng của quán chủ yếu là những lao động thu nhập thấp, người giá neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn

Đặc biệt, khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công việc bị gián đoạn, đây cũng là địa chỉ giúp nhiều lao động nghèo như bà tiết kiệm được một phần chi phí sinh hoạt.

Không chỉ phục vụ các suất ăn với giá 5.000 đồng, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là trong các đợt giãn cách xã hội trước đây, quán cơm chay 5.000 đồng cũng đã tổ chức các chương trình phát tặng suất ăn miễn phí, trao hàng nghìn suất ăn đến tay người dân. Mới đây nhất, vào tháng 9 vừa qua, quán cũng đã tiếp tục thực hiện chương trình miễn phí các suất ăn chay trưa và chiều trong thời gian 15 ngày, với số lượng trung bình từ 900 đến 1000 suất ăn/ngày. Ngoài vị trí cố định tại quán, chương trình còn triển khai hai điểm phát lưu động ở trước chợ Phan Chu Trinh và trước Siêu thị Co.opmart, nơi nhiều người lao động có hoàn cảnh khó khăn sinh sống và làm việc. Bên cạnh đó, quán còn vận chuyển các suất ăn bằng xe máy đến tận nơi tặng những hoàn cảnh neo đơn, già yếu, bệnh tật gặp khó khăn trong việc đi lại.

Cứ thế, những suất cơm chay thấm đậm nghĩa tình mỗi ngày lại được trao gửi đến tay người lao động trên thành phố. Mỗi suất ăn chứa đựng tình yêu thương và tấm lòng sẻ chia với bà con có hoàn cảnh khó khăn, qua đó trao truyền yêu thương trong cộng đồng giữa nhịp sống hối hả, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.