Multimedia Đọc Báo in

Cầu sập sau mưa lũ: Hàng trăm hộ dân xã vùng sâu bị chia cắt

07:37, 17/12/2021

Đợt lũ lớn vào cuối tháng 11/2021 đã khiến cầu thôn 2A (hay còn gọi là cầu C10 hoặc cầu Thống Nhất) tại xã Ea Ô, huyện Ea Kar bị sập, đứt gãy, gây chia cắt hàng trăm hộ dân, khiến việc đi lại, sản xuất của bà con tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

Cầu thôn 2A có chiều dài 30 m, chiều rộng 7 m bắc qua sông Krông Pắc được đưa vào sử dụng từ hàng chục năm nay. Thời gian sử dụng lâu cùng với tác động của tình hình mưa lũ hằng năm khiến cầu bị hư hỏng. Đặc biệt là cơn lũ xảy ra vào hồi cuối tháng 11/2021 vừa qua khiến cầu bị đứt gãy, trôi khoảng 12 m gây chia cắt giao thông.

Cầu thôn 2A nằm trên đường liên xã Ea Ô - Ea Păl - Cư Bông (huyện Ea Kar) - đây là tuyến giao thông huyết mạch phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất cho người dân ở 5 thôn phía Đông và Đông Nam của xã Ea Ô là: 1A, 1B, 2A, 2B và 2C, với khoảng 600 hộ dân (khoảng 3.000 nhân khẩu) và khu vực lân cận. Quan sát thực tế cho thấy, vị trí bị đứt gãy ở phía đầu cầu khu dân cư thôn 2A, một số tấm bê tông của mặt cầu đã bị nước cuốn trôi, phần lan can cũng bị uốn cong sà xuống mặt sông. Ở các vị trí còn lại, mặt cầu bong tróc nhiều mảng, lan can và trụ cầu bị hoen rỉ, việc đi lại trên công trình này sẽ rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao.

Vị trí sập, đứt gãy trên cầu thôn 2A dài khoảng 12 m chỉ còn lại một vài tấm bê tông và lan can cầu.

Điều đáng nói, sau hơn nửa tháng xảy ra sự cố sập, đứt gãy, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục, khiến giao thông bị ách tắc. Anh Đặng Đình Hậu (người dân tại thôn 2A, xã Ea Ô) cho hay, gần 30 năm nay, từ lúc anh sinh sống tại địa phương đã có cây cầu, nó giúp việc đi lại, sản xuất của gia đình anh rất thuận lợi. Từ ngày cầu sập đến nay, mọi hoạt động đều khó khăn hơn do phải đi đường vòng rất xa. Nhà anh có 5 sào ruộng ở bên kia cầu, nay đã đến thời điểm làm đất gieo sạ vụ đông xuân 2021 - 2022 nhưng do đường sá cách trở nên anh chưa biết tính toán cách nào cho thuận tiện. Trước kia, anh chỉ cần đi thẳng theo đường bê tông qua cầu tới ruộng chỉ mất khoảng 7 km, thì nay phải đi vòng khoảng 20 km. Để di chuyển xe máy cày từ nhà đến ruộng phải mất ít nhất 3 giờ vì phải đi đường vòng qua con đường có nhiều đoạn gập ghềnh, hơn nữa máy móc di chuyển chậm, không được nhanh như xe máy. Tình huống nếu thuê máy móc thì cuối vụ thu về không đủ các khoản chi phí, bởi thực tế việc làm lúa của nông dân chủ yếu lấy công làm lãi.

Theo ông Đào Xuân Hùng, Trưởng thôn 2A (xã Ea Ô), cầu thôn 2A là cầu nối con đường huyết mạch của người dân đi lại, sản xuất và kết nối với nhiều trường học của học sinh cấp 2, cấp 3 tại địa phương. Hiện các em phía bên này cầu phải đi vòng rất xa, 5 giờ sáng phải dậy đạp xe để kịp giờ học. Một số gia đình vì thương con nên phải sắp xếp thời gian để chở con em đến lớp. Giao thông bị chia cắt khiến hàng hóa nông sản của bà con bị khó khăn trong tiêu thụ. Hiện trên địa bàn có đến hàng trăm tấn lúa chưa thể bán ra được vì bị thương lái chèn ép giá. So với các nơi khác, bà con bán lúa ở thời điểm này giá sẽ thấp hơn rất nhiều vì thương lái phải vận chuyển theo đường vòng.

Cầu thôn 2A, xã Ea Ô (huyện Ea Kar) bị sập, đứt gãy sau cơn lũ xảy ra vào cuối tháng 11/2021.

Ông Phùng Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ô cho biết, cầu thôn 2A được đưa vào sử dụng từ khoảng sau năm 1975. Đợt lũ đầu tiên vào đầu tháng 11/2021, cầu chưa bị sập hoàn toàn, mới chỉ sạt lở. UBND xã đã đề nghị với Ban Phòng, chống thiên tai của huyện kiểm tra, xem xét cho sửa chữa, khắc phục tạm bằng phương án lót rọ đá để bà con đi lại. Sau đợt lũ vào cuối tháng 11 vừa qua, cây cầu bị đứt gãy phần đầu phía khu dân cư thôn 2A, gây chia cắt cho đến thời điểm hiện tại.

Ông Phạm Quang Tân, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ea Kar thông tin, sau khi xảy ra sự cố sập cầu thôn 2A, UBND huyện đã kiểm tra hiện trường và đề nghị địa phương khẩn trương đặt biển cấm đi lại gần khu vực nguy hiểm để cảnh báo người dân. Về lâu dài, UBND huyện đã có tờ trình đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí để khắc phục, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn về tính mạng cho người dân khi lưu thông qua cầu này.

Ngoài cầu thôn 2A, hiện toàn huyện Ea Kar có 44 cầu dân sinh. Trong những năm qua mặc dù được Bộ Giao thông vận tải, tỉnh và địa phương quan tâm bố trí vốn sửa chữa, song hiện nay vẫn còn một số công trình bị xuống cấp, hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao.

Hoàng Tuyết - Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.