Nỗi nhớ mùa cà phê chín
Hằng năm, khi những cơn mưa cuối mùa dứt hẳn, những cơn gió thổi rít từng cơn, cũng là dấu hiệu báo một mùa cà phê lại đến. Những đồi cà phê bạt ngàn, trải rộng với chùm cà chín mọng đang chờ bàn tay người đến thu hái sau một năm chăm sóc miệt mài...
Tuổi thơ tôi gắn bó với vườn cà phê xanh mướt. Từ nhỏ, tôi đã theo chân bố mẹ lên rẫy, lúc đầu đi chơi, sau để tập làm những công việc của một người nông dân. Lâu dần, bản thân cũng quen với công việc, một buổi đi học, một buổi lên rẫy, mỗi cuối tuần tôi lại cùng bố mẹ ở trên rẫy cả ngày. Suốt những năm tháng ở quê nhà, tôi cảm nhận được cuộc sống của người trồng cà phê vất vả quanh năm với guồng quay công việc hối hả: từ vét bồn, làm cỏ, tỉa cành, tưới nước, bón phân cho đến thu hoạch. Nhưng vất vả nhất có lẽ là mùa thu hoạch, từ khoảng tháng 10 đến tháng 12 hằng năm.
Lúc ấy, những cơn gió thổi rít, trời nhanh tối hơn các tháng, lại còn lạnh nữa. Mỗi ngày thường bắt đầu từ sáng tinh mơ cho đến tận tối mịt mới kết thúc. Mẹ luôn là người dậy sớm nhất nhà, 4 giờ sáng đã lục đục chuẩn bị nấu cơm sáng và đồ ăn trưa mang đi rẫy. Bố thì dậy chuẩn bị bao, bạt hái cà phê, kiểm tra xe cộ và phơi cà phê ở sân. Tiếng loa truyền thanh thông báo tình hình mùa vụ cũng như âm thanh rột roạt từ chiếc cào cà phê của bố và các nhà xung quanh đang phơi loại nông sản tạo nên không khí bận rộn của ngày mùa.
Mùa thu hoạch cà phê. |
Mùa cà phê đến, cả một vùng rộng bạt ngàn màu xanh của tán lá và những chuỗi trái cà phê căng bóng, đỏ mọng chạy dọc suốt cành dài mang đến một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Cảnh đẹp là thế, nhưng khi đến rẫy, mọi người chẳng còn thời gian ngắm nghía mà nhanh tay trải bạt vây kín gốc rồi tuốt những chùm quả chín đỏ.
Trưa đến, chúng tôi ăn cơm ngay tại rẫy, ngồi dưới hố cà phê, bữa cơm nhiều khi chỉ là muối vừng, cá khô nhưng sao tôi thấy ngon đến lạ. Cơm nước xong, dưới bóng mát của tán lá cà phê, vài cơn gió nhẹ lùa qua khiến mọi người chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Chợp mắt chừng 30 phút, mọi người lại vội vã kéo bạt đi hái những hàng cà phê tiếp theo cho đến khi trời tối mới ra về. Tôi thích cái cảm giác lâng lâng, vui sướng khi được ngồi trên đống bao cà phê cao ngất chất trên xe công nông do bố lái, hòa vào dòng xe kéo, xe máy, xe công nông cũng đang nối đuôi nhau chở từng bao cà phê từ các vườn, rẫy về nhà.
Ngày trước, bố mẹ tôi cùng người dân trong làng từ các tỉnh miền Trung di cư vào Tây Nguyên làm “kinh tế mới”. Sau khi vào làm công nhân cho nông trường cà phê, tích góp dần rồi mua thêm rẫy. Bởi thế, mùa thu hoạch đến, cùng với hái rẫy của nhà, mọi người lại đồng loạt tập trung đi hái ở các lô của nông trường. Mùa cà phê ở đây vì vậy cũng trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết. Tiếng người gọi nhau, chuyện trò, cười nói rôm rả hòa với tiếng rào rào tuốt quả, tiếng cà phê rơi lộp độp trên các tấm bạt trải dưới gốc cây... tạo nên thanh âm đặc biệt của ngày mùa.
Những chiếc xe công nông nối đuôi nhau chở từng bao quả cà phê từ vườn, rẫy về nhà. |
Đêm đến, sau một ngày lao động mệt nhọc, nằm ở nhà bao quanh là vườn cà phê xanh mướt, trong bóng tối đen đặc, nghe tiếng côn trùng rả rích và tiếng chó sủa vu vơ ngoài xa, mùi thơm của cà phê chín, mùi ngai ngái của đất thoảng thoảng quanh nhà khiến tôi cảm thấy cuộc sống quá đỗi yên bình. Tôi vẫn nhớ đôi tay của bố mẹ và những người nông dân vào mùa cà phê thường bị mủ cà dính đen kịt, chà rửa rất khó ra, nhưng nó thật đẹp và thân thương đến lạ. Năm tháng qua đi, tôi lớn dần và đi học xa nhà. Những năm cà phê mất mùa, mất giá, mỗi lần về thăm nhà, tôi lại thấy nỗi buồn chất chứa trong ánh mắt của bố mẹ cùng những tiếng thở dài nặng trĩu khi đêm về.
Cho đến tận bây giờ, khi đã lập gia đình và ở xa bố mẹ, mỗi khi gió mùa về, tôi lại có cảm giác nôn nao trong lòng khó tả với nỗi nhớ mùa cà phê chín. Nhiều lúc ngồi quán cà phê, lơ đễnh nhìn ngắm phố phường, nhấp ngụm cà phê mà vị đắng của nó giống như có vị đắng và mặn của mồ hôi, nước mắt của người dân quê tôi vậy. Lúc ấy, tôi chỉ muốn chạy vội về nhà, để tất bật lên rẫy cùng cha mẹ.
Huyền Diệu
Ý kiến bạn đọc