Multimedia Đọc Báo in

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế

06:55, 02/12/2021

Thực hiện Cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm” trong phát triển kinh tế cho hội viên người dân tộc thiểu số (DTTS) do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cư Kuin phát động, thời gian qua Hội LHPN xã Dray Bhăng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp hội viên phát triển kinh tế.

Bà H’Jai Hmôk, Chủ tịch Hội LHPN xã Dray Bhăng cho biết: Cuộc vận động giúp chị em hội viên DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từ bỏ tập quán lạc hậu, biết vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, biết tích lũy để tái đầu tư sản xuất; thay đổi tư duy, cách thức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động phát triển kinh tế, giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS tại chỗ.

Qua rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em hội viên, Hội LHPN huyện đã chọn buôn Hra Ea Tlă và buôn Hra Ea Hning làm điểm triển khai thực hiện cuộc vận động với hai mô hình: tổ hợp tác may mặc và tổ hợp tác dệt thổ cẩm.

Hội viên phụ nữ buôn Hra Ea Hning có thêm thu nhập khi tham gia tổ hợp tác dệt thổ cẩm.

Được thành lập từ đầu tháng 7/2021, tổ hợp tác dệt thổ cẩm ở buôn Hra Ea Hning có 6 thành viên tham gia. Hội LHPN huyện Cư Kuin đã hỗ trợ tổ hợp tác 30 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp để mua nguyên liệu, công cụ sản xuất… Tham gia tổ hợp tác, các chị em có thể tranh thủ thời gian nông nhàn làm thêm nghề dệt, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình.

Để giải quyết đầu ra sản phẩm thổ cẩm của chị em, ngoài việc thường xuyên cập nhật, thay đổi mẫu mã phù hợp xu thế thị trường… Hội LHPN huyện và xã còn đứng ra kết nối với nhà may Amí Sia trên địa bàn huyện để tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, mỗi tháng tổ hợp tác dệt thổ cẩm sản xuất gần 150 bộ sản phẩm gồm áo, váy, chăn, khăn thổ cẩm... mang lại thu nhập cho các thành viên từ 3 - 3,2 triệu đồng/người/tháng. Không những được cải thiện thu nhập, chị em hội viên còn có điều kiện giữ gìn, phát huy nghề dệt truyền thống của ông bà mình.

Trước đó, vào tháng 4/2020, tổ hợp tác may mặc ở buôn Hra Ea Tlă cũng đã được thành lập, do chị H’Thủy Byă làm tổ trưởng, với nguồn vốn khởi nghiệp 40 triệu đồng do Hội LHPN huyện hỗ trợ. Tổ hợp tác may mặc có 4 thành viên, hoạt động dưới hình thức nhận hàng gia công từ TP. Hồ Chí Minh và nhận đo may theo yêu cầu của khách hàng.

Hằng ngày từ 19 - 21 giờ, các thành viên trong tổ lại tập trung tại nhà chị H’Thủy để đo, may, cắt ráp sản phẩm. Mỗi tháng tổ hợp tác may mặc cắt may đo, lắp ráp gần 1.300 bộ đồ. Từ khi tổ hợp tác may mặc được hình thành, các thành viên trong tổ có thêm thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng, cuộc sống được cải thiện đáng kể.

Thành viên tổ hợp tác may mặc buôn Hra Ea Tlă may đồ gia công. 

Không chỉ hỗ trợ chị em phát triển kinh tế từ các tổ hợp tác may mặc, tổ hợp tác dệt thổ cẩm, Hội LHPN xã Dray Bhăng còn nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Kuin gần 13 tỷ đồng tạo điều kiện cho chị em vay vốn, phát triển kinh tế. Hội cũng đã phối hợp tổ chức hai lớp tập huấn, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức cho chị em tham quan các mô hình phát triển kinh tế để học hỏi kinh nghiệm ứng dụng vào thực tế của gia đình mình. Nhờ sự hỗ trợ đó, đến nay xã Dray Bhăng chỉ còn 12 hộ phụ nữ nghèo, giảm 6 hộ so với cùng kỳ năm trước.

Mỹ Hằng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.