Multimedia Đọc Báo in

Cư M'gar: Đồng lòng vượt khó

15:23, 30/01/2022

Đứng trước nhiều thách thức, khó khăn do dịch bệnh gây ra, huyện Cư M’gar đã chủ động và linh hoạt với nhiều giải pháp để phát huy nội lực, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trải qua các đợt dịch diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng giải pháp xuyên suốt của huyện là phát huy sức mạnh của tập thể gắn với đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân của các cấp ủy đảng, chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Huyện lập chốt kiểm soát dịch khi cần thiết, nhưng vẫn bảo đảm hoạt động vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ khơi thông đầu ra cho nông sản, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, các tổ COVID-19 cộng đồng thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để quản lý biến động dân cư và tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan.

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cư M’gar tiếp nhận nguồn hỗ trợ chống dịch của các tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp được huyện Cư M’gar xác định là một trong những lĩnh vực đặc biệt quan trọng. Phát huy thế mạnh của địa phương, huyện vận động người dân tập trung lao động sản xuất, tích cực chăm sóc các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, tổ chức thu hoạch nông sản bảo đảm an toàn trong điều kiện dịch bệnh. Cùng với đó, huyện chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp như: tổ chức hoạt động có hiệu quả các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác; hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn cây ăn quả tại xã Ea Tar; ứng dụng khoa học - kỹ thuật và sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Đặc biệt là việc đưa vào hoạt động của “Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk” tại xã Ea M’droh đã tạo ra một hướng đi mới, tạo việc làm cho người lao động.

Nhờ thực hiện các giải pháp linh hoạt mà kinh tế trên địa bàn huyện có sự tăng trưởng khá. Năm 2021, tổng giá trị sản xuất sản phẩm chủ yếu đạt 11.860 tỷ đồng (tăng 8,34% so với năm 2020); thu nhập bình quân đầu người theo giá thực tế đạt 54,3 triệu đồng/năm (bằng 100,56% kế hoạch); huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 7.205 tỷ đồng (đạt 100,07% kế hoạch). Tổng mức lưu chuyển hàng hóa trên địa bàn đạt  6.600 tỷ đồng (tăng 13,79% so với năm 2020). Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 174,220 tỷ đồng (bằng 144,94% dự toán tỉnh giao và bằng 135,9% dự toán huyện giao). Trong năm, có 4 HTX được thành lập mới, nâng tổng số HTX trong toàn huyện lên 46 HTX, với trên 970 thành viên, tổng doanh thu ước đạt trên 400 triệu đồng/hộ thành viên...

Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, huyện Cư M’gar cũng tập trung huy động mọi nguồn lực để chống dịch hiệu quả. Ban cứu trợ của huyện, các xã, thị trấn tích cực vận động, tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ đến các khu cách ly tập trung, người dân khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ tư đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cư M’gar đã tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 với số tiền hơn 2  tỷ đồng, hơn 46 tấn gạo, gần 1.200 thùng mì tôm, gần 147 tấn rau, hàng nghìn bộ đồ bảo hộ, kính chắn giọt bắn, thiết bị vật tư y tế... Qua đó, đã kịp thời hỗ trợ, trao tặng người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và các lực lượng làm nhiệm vụ tham gia phòng, chống dịch.

 Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.